Tại hội thảo về cơ hội đầu tư vào Myanmar được tổ chức hôm qua (15-7) ở Hà Nội, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), cho biết: “Đầu tư ở thời điểm này không có khả năng lỗ mà chỉ có lợi, nếu chậm thêm vài năm nữa e rằng cơ hội sẽ vuột mất”.
Tiềm năng “mảnh đất vàng”
Thời gian gần đây, với tốc độ cải cách thể chế - dân chủ, kinh tế nhanh chóng, Myanmar đã trở thành điểm thu hút đầu tư nóng trên thế giới - được xem như “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. Ông Trần Bắc Hà ví von: “Trước đây, Myanmar như một cô gái đẹp trong rừng sâu, còn nay Myanmar như một cô gái đẹp dưới ánh đèn sân khấu”. Và cũng bởi vậy, cơ hội đầu tư ở vùng đất này đang được rất nhiều các tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu quan tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi hơn bởi mối quan hệ giữa 2 nước đã được xây dựng và củng cố từ nhiều năm nay. Dù tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều chưa lớn, nhưng mức tăng trưởng rất nhanh, bình quân 60% từ năm 2009 đến nay. Thị trường Myanmar là thị trường rất tốt với Việt Nam, hàng năm 2 nước có hợp tác mở hội chợ thương mại tại Yanggon (thủ đô kinh tế của Myanmar).
Từ 2010 đến nay, AVIM đã tổ chức cho gần 60 đoàn công tác với gần 1.800 doanh nghiệp sang khảo sát thị trường Myanmar. Hiện đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar và 5 dự án được cáp phép đầu tư với tổng giá trị 600 triệu USD. Trong đó đáng chú ý là dự án phức hợp tổ hợp khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với mức đầu tư 440 triệu USD. Ngoài ra, có 18 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục dự kiến hơn 600 triệu USD như: BIDV, Viettel, Vinacapital, Tập đoàn Cao su…
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết mục tiêu đặt ra là tới năm 2015 đầu tư của Việt Nam sang Myanmar sẽ đạt trên 1 tỷ USD và tới năm 2020 đạt khoảng 2 - 2,5 tỷ USD.
Xác định chiến lược bài bản
Trao đổi thêm về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, ông Trần Bắc Hà cho biết, tại Myanmar còn khoảng 15,8 triệu ha đất nông nghiệp chưa khai thác. Diện tích Myanmar lớn gấp đôi Việt Nam trong khi chính sách và pháp luật có độ mở rất nhanh. “Ví dụ Myanmar bắt đầu sửa luật tổ chức tín dụng vào năm nay, cho phép mở ngân hàng liên doanh, nhưng không ấn định tỷ lệ tham gia của phía nước ngoài là bao nhiêu mà để các bên thỏa thuận. Cũng theo luật này, sau 2 năm nữa ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được mở tại Myanmar” - ông Hà nói. Trong khi đó, nguồn tài nguyên thủy hải sản ở Myanmar có nhiều tiềm năng có thể phối hợp với Việt Nam để đánh bắt, khai thác.
Ông Vũ Văn Chung cho biết hiện Chính phủ Myanmar đang khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như chế biến lâm sản, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, sản xuất hàng gia dụng, dệt may, thăm dò khai thác dầu khí…
Có mặt tại hội thảo, đại diện Ủy ban Đầu tư Myanmar, bà Cho Cho Wynn, cho biết Chính phủ Myanmar cam kết xây dựng nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế thị trường, môi trường đầu tư thuận lợi. Mặc dù Việt Nam không phải là nước đầu tư đầu tiên vào Myanmar nhưng đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam vào quá trình phát triển của Myanmar rất lớn. “Chúng tôi rất giàu về tài nguyên và lao động, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như cùng sản xuất lúa gạo, thủy sản, dầu khí… Bởi vậy chúng ta cần tăng cường phối hợp với nhau nhằm tăng sức mạnh cộng hưởng về kinh tế” - bà Cho Cho Wynn nói.
Là người thấu hiểu nền kinh tế Myanmar, ông Trần Bắc Hà lưu ý rằng khi đã đầu tư sang thị trường này thì không nên làm theo kiểu “ăn xổi, ở thì”. Đầu tư sang Myanmar cần xác định theo hướng bền vững, dài hạn. Thị trường Myanmar mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tốt, sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang Bangladesh và phía miền Nam Ấn Độ.
BẢO MINH