Thị trường Tết Mậu Tuất 2018: Doanh thu tăng, giá bán cũng tăng

Mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán 2018 đã khép lại. Số liệu từ Sở Công thương TPHCM, cho thấy, sức mua chung của thị trường tết năm nay tăng bình quân 10% - 15%, trong đó doanh thu tại các hệ thống kinh doanh hiện đại tăng 20% - 30%, với tổng doanh thu ước đạt 18.679 tỷ đồng, tăng 2.465 tỷ đồng (15,2%) so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017 (16.214 tỷ đồng).

Sức mua tăng 10% - 20%

Khác với những năm trước, năm nay người tiêu dùng mua sắm tết khá muộn, sức mua chỉ thực sự tăng vào tuần cuối cùng của mùa kinh doanh tết. Tại nhiều siêu thị, từ ngày 28 đến 30 tết, lượng khách đến mua sắm tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh, kẹo, mứt, rau củ và một số loại trái cây chưng tết.

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách giá ổn định, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng, nên các siêu thị đã thu hút được một lượng lớn khách đến mua sắm. Trước đó, các siêu thị đã thực hiện khuyến mãi giảm giá từ 10% - 50% trên hàng ngàn mặt hàng. Nhiều siêu thị cũng đã tổ chức kéo dài thời gian bán hàng thêm từ 4 - 5 giờ/ngày trong những ngày cận tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Kết thúc mùa kinh doanh cao điểm, Sở Công thương TPHCM, cho biết, sức mua tăng từ 10% - 15% so với Tết Đinh Dậu 2017, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng từ 20% - 30%. Cá biệt, cũng có một vài hệ thống siêu thị, cửa hàng, sức mua chỉ dừng ở mức 5%. Tổng doanh thu của mùa tết ước đạt 18.679 tỷ đồng, tăng 2.465 tỷ đồng (15,2%) so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017 (16.214 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt 7.568,8 tỷ đồng, tăng 1.060,8 tỷ đồng (16,3%) so với Tết Đinh Dậu 2017 (6.508 tỷ đồng). Riêng khu vực các chợ truyền thống, vào những ngày cận tết, lượng khách đến chợ mua sắm khá đông, kéo theo mãi lực tăng 30% - 40% so với ngày thường.

Ngay sau tết, bắt đầu từ ngày mùng 2 và 3 tết, tại một số hệ thống siêu thị như Co.opmart, siêu thị Sài Gòn, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vissan, Satrafood… cùng các chợ truyền thống đã mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến mua sắm không đông, sức mua thấp. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, Circle K, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24 giờ. Theo đó, hệ thống Aeon Mall và Lotte mở cửa bán hàng liên tục trong những ngày tết.

Lượng hàng hóa đã bắt đầu đổ về các chợ đầu mối của thành phố, với tổng lượng hàng nhập chợ đạt 1.322 tấn/đêm, tương đương 14,28% so ngày thường, chủ yếu các mặt hàng rau củ. Tại chợ lẻ, hầu hết các sạp đều nghỉ tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, chủ yếu là các mặt hàng thịt gia súc, gà ta, rau củ quả, trái cây, lượng khách đến chợ không cao.

Thị trường Tết Mậu Tuất 2018: Doanh thu tăng, giá bán cũng tăng ảnh 1 Mua rau tại CoopMart Cống Quỳnh sáng mùng 2 tết. Ảnh: CAO THĂNG

Giá một số mặt hàng thiết yếu tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, tết năm nay chỉ có một số nhóm các mặt hàng thiết yếu tăng khá cao vào 3 ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu như hoa tươi cao cấp và trái cây chưng tết, giá bán tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường.

Cụ thể, giá bán hoa ly (loại 5 cành/bó, mỗi cành có 5 hoa) giá bán từ 350.000 - 500.000 đồng/bó; hoa huệ trắng 120.000 - 170.000 đồng/chục; hoa lay ơn 80.000 - 120.000 đồng/chục; hoa lan hồ điệp 200.000 - 250.000 đồng/cây; 2 loại hoa tết đặc trưng của 2 miền Nam và Bắc là mai và đào do thời tiết không thuận, lại có tháng nhuận nên chất lượng hoa không đồng đều, dẫn đến giá bán đối với loại mai kiểng nở đúng vụ cao hơn gấp rưỡi so với tết năm ngoái…

Tương tự, đối với mặt hàng trái cây như bưởi, mãng cầu, thanh long, vào ngày cận tết giá tăng gấp đôi do tiểu thương giảm nhập hàng, trong khi mức cầu quá lớn. Giá bưởi Năm Roi (loại 1) khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh (loại 1) 100.000 - 120.000 đồng/kg; mãng cầu tròn 80.000 - 100.000 đồng/kg; thanh long 40.000 - 60.000 đồng/kg; quýt đường 70.000 - 80.000 đồng/kg…

Các mặt hàng thực phẩm khác như gà ta, cá lóc, cá điều hồng, tôm, cá thu, trong 3 ngày 28, 29 và sáng 30 tết giá bán đã tăng bình quân khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Một số loại trái cây như dưa leo, khổ qua, cải ngọt, xà lách, giá cũng tăng nhẹ từ 10% - 20% vào đầu phiên chợ khi lượng khách đến mua đông nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại mức bình thường.

Ngày mùng 2 và mùng 3 tết, ghi nhận thực tế cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa tại siêu thị đầu năm không tăng so với cùng kỳ và tương đương giá bán ngày thường. Cụ thể, tại một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm, thịt bò các loại giá dao động từ 150.000 đồng/kg đến 300.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 100.000 - 130.000 đồng/kg, các loại cá quanh mức 30.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg... Các mặt hàng bình ổn vẫn niêm yết mức giá tốt hơn so với thị trường.

Ngay trong ngày khai trương đầu năm, các siêu thị cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm bình quân từ 10% - 20%, hàng phi thực phẩm giảm từ 5% - 49%.

Riêng tại các chợ, giá bán trái cây và thực phẩm sau tết vẫn khá cao như cá lóc, cá chép 120.000 - 150.000 đồng/kg, tôm sú loại 2 từ 350.000 - 400.000 đồng/kg.

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM về thị trường Tết Mậu Tuất 2018, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Tết năm nay, người tiêu dùng thành phố tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “vui tết”, “chơi tết”, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online trên mạng và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa.

Do có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối cung - cầu và ổn định giá cả hàng hóa, việc kiểm tra sát sao giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố.

Hoa tết ế hàng vào giờ chót

Vào chiều 30 tết, tại một số điểm bán hoa trồng trong chậu trên thị trường vẫn còn khá nhiều như cúc mâm xôi, cúc đại đóa, vạn thọ, mào gà, đuôi chồn… Giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/cặp, rớt xuống chỉ còn 50.000 - 70.000 đồng/cặp. Chủ một điểm bán hoa ở khu vực đường D2, quận Bình Thạnh, cho biết, do giá bán các loại hoa vào đầu vụ khá cao so với mức bình quân những năm trước nên người mua rất e dè, dẫn đến bị ế hàng vào giờ chót. Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), nhiều điểm bán hoa mai cũng chấp nhận giảm giá bán chỉ còn 50% so với trước đó.

Đối với một số loại hoa cắt cành bình dân như cúc hạt nút, đến chiều 30 tết các chủ điểm bán cũng xổ hàng, với giá chỉ còn 5.000 đồng/bó loại 5 cành. Tương tự, với mặt hàng dưa hấu (loại 2 - 3kg/quả) giá bán chỉ còn khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Tin cùng chuyên mục