Chưa có mùa tết nào, hàng hóa lại dồi dào phong phú, giá cả ổn định như năm nay. Nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên do sức mua tăng quá chậm. Trong 2 ngày cuối cùng năm cũ, sức mua đã tăng đột biến, góp phần kéo tăng mãi lực trong dịp tết, lên 20% - 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Hàng đặc sản tăng giá
Trong khi nguồn cung và giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn rất dồi dào và ổn định đến phút chót, thì các mặt hàng đặc sản tết tăng giá khá cao trong 3 ngày trước tết. Tình trạng này diễn ra chủ yếu tại khu vực các chợ bán lẻ và tại các nhóm hàng có mức tiêu thụ cao trong dịp tết như thịt heo, bánh chưng, bánh tét, trái cây, mứt tết, trứng vịt, mực ống, tôm sú, ghẹ, cua, cá lóc…
Điển hình nhất là mặt hàng thịt heo. Trong 2 ngày 28 và 29 Tết, giá thịt heo bình ổn giảm tới 10.000 đồng/kg, thì tại các chợ bán lẻ mức tăng bình quân lên tới 15.000 - 25.000 đồng/kg, riêng giá thịt heo ba rọi đã đẩy lên tới 110.000 đồng/kg, trong khi giá thịt heo bình ổn chỉ dừng ở mức 80.000 đồng/kg. Giá mứt tết tại các chợ cũng tăng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bánh chưng và các loại giò như giò thủ, giò bò cũng đã tăng từ 15% - 20% so với cùng kỳ và tăng đến 30% so với trước đó.
Các loại trái cây ngon để cúng tết như xoài, thanh long, quýt đường… giá bán tại các chợ đầu mối vẫn ổn định nhưng khi về đến các chợ bán lẻ, giá đã tăng gấp 3 - 4 lần. Tại chợ Phạm Văn Hai, 1kg thanh long có giá bán lên tới 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Các loại thủy hải sản như mực ống, cá chép, cá lóc đồng, cá thác lác, tôm... tăng 30% so với trước đó. Ngoài nguyên nhân là lượng thủy hải sản ngon về chợ đầu mối không nhiều do ngư dân đánh bắt xa bờ nghỉ tết, cũng không loại trừ yếu tố làm giá của tiểu thương vào cao điểm tết.
- Sức mua tăng ngày giáp tết
Theo Sở Công thương TPHCM, nguồn hàng tại các chợ đầu mối cung ứng cho thị trường tết năm nay chiếm 40% - 50% thị phần; hàng của các DN bình ổn chiếm 30% - 40%, còn lại là hàng của các DN ngoài chương trình.
Sự khác biệt của thị trường tết năm nay đó là sức mua chỉ thực sự tăng vào 2 ngày cuối cùng của mùa tết với mức tăng từ 3 - 4 lần so với bình thường và tăng từ 20% - 25% so với cùng kỳ, chủ yếu dồn vào các siêu thị (MaxiMark tăng gấp 3 lần, BigC và Saigon Co.op tăng 4 lần). Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách giá ổn định, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng nên các siêu thị đã thu hút được một lượng lớn khách hàng đến mua sắm.
Trước đó, các siêu thị đã thực hiện khuyến mãi giảm giá từ 10% - 50% trên 3.000 mặt hàng, thực hiện từ đầu tháng 11 đến ngày 29 Tết. Nhiều siêu thị cũng đã tổ chức kéo dài thời gian bán hàng thêm 4 giờ/ngày và bán thông đêm vào ngày 28 Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng. Xu hướng mua sắm tại các siêu thị hình thành từ các năm trước, nay được khẳng định, tạo áp lực cạnh tranh rất lớn lên hệ thống kênh bán lẻ chợ truyền thống.
- Khẳng định vị thế hàng bình ổn
Năm 2011 là năm đầu tiên TPHCM thực hiện bình ổn giá quanh năm đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Do đã tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm trước, cộng với việc chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm nên nguồn hàng phục vụ cho mùa tết năm 2012 tăng gấp 3 - 4 lần so với lượng hàng TP giao.
Thông qua hệ thống phân phối gồm 2.568 điểm bán và tổ chức thường xuyên các chuyến hàng lưu động, tham gia các phiên chợ công nhân, hội chợ xuân... và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi sâu rộng, hàng bình ổn đã cung ứng kịp thời đến tay người tiêu dùng, làm chủ thị trường và tạo mức lan tỏa chung về giá bán.
Điểm khác biệt trong chương trình bình ổn giá năm nay là ngoài mức giá thấp hơn so với giá thị trường 10% thì các DN đã liên kết với nhau để thực hiện giảm giá bán trên hầu hết các nhóm hàng bình ổn vào ngày 28 và 29 Tết, kéo dài đến hết ngày mùng 7 Tết. Đây cũng là năm hàng bình ổn có mức giảm giá, khuyến mãi mạnh nhất kể từ trước đến nay. Về lượng, lượng hàng của các DN bán ra thị trường tăng mạnh từ 30% - 100% so cùng kỳ.
Các mặt hàng rau củ quả, trái cây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP và Hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt cung ứng đầy đủ cho thị trường, giá thấp hơn giá thị trường 20% - 30% và có những mặt hàng thấp hơn giá thị trường hơn 50% như xoài cát Hòa Lộc, bắp cải, hành tím...
Nhờ giá bán ổn định, chất lượng cao nên lượng hàng của các DN bán ra tăng mạnh từ 30% - 100% so cùng kỳ (đường Thực Phẩm Công Nghệ tăng 100%, trứng gà Ba Huân tăng 68%, thịt heo Vissan tăng 39%, nước mắm Biển Bình Minh – 584 tăng 30%...).
Nhận định về thị trường Tết Nhâm Thìn, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường đã diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của TP. Giá cả nhiều mặt hàng tăng giảm hợp lý, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp có điều kiện hưởng một cái Tết Nguyên đán “đoàn kết, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm”, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Kết quả này thực sự là thành công to lớn của các cơ quan quản lý nhà nước và DN trong việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội.
THÚY HẢI