(SGGP).- Hôm qua 16-4, sau 2 ngày thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, thị trường tiền tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động VND. Một số ít ngân hàng công bố lãi suất huy động cao nhất lên đến 11,99%/năm, còn lại đa phần đều công bố lãi suất xoay quanh mức 11%/năm và cao nhất ở mức 11,5%/năm.
Các mức lãi suất này đều tăng hơn so với mức 10,5%/năm trước đây, song cùng với việc chấm dứt các hình thức khuyến mãi, tính chung lãi suất huy động thực tế trên thị trường đã hạ.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động không phải là chạy đua tăng lãi suất, mà họ chỉ minh bạch hóa lãi suất thực trả cho khách hàng.
Theo bà Hương, trước đây theo thỏa thuận giữa các thành viên VNBA, các ngân hàng được huy động với lãi suất không quá 10,5%/năm nhưng phần lớn các ngân hàng đều khuyến mãi, thưởng thêm, đẩy lãi suất thực trả cho khách lên đến 12%/năm. Nay lãi suất theo cơ chế thị trường, các ngân hàng giảm dần việc khuyến mãi và công khai lãi suất thực trả cho khách.
Trong khi đó, thị trường ngoại hối cũng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Giá USD trong và ngoài ngân hàng giảm nhanh. Đặc biệt, lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, có lúc giá USD trên thị trường tự do thấp hơn giá USD trong ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay nguồn USD trên thị trường khá dồi dào. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng luôn dương khoảng 400-500 triệu USD. Quan trọng hơn là tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian gần đây giảm mạnh khi bài toán giữa tỷ giá và lãi suất được giải quyết.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh vay USD, sau đó bán lấy tiền đồng để sản xuất, cùng với việc các ngân hàng bắt đầu đóng trạng thái tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài và thu hồi USD về, kiều hối, giải ngân FDI khởi sắc cũng góp phần tăng cung USD.
H. YÊN