Tăng khuyến mãi cuối năm
Thông tin từ các nhà bán lẻ và doanh nghiệp (DN) sản xuất, từ nay đến Tết Ất Mùi 2015 sẽ tổ chức từ 3 đến 5 đợt khuyến mãi, mức giảm giá bình quân 5% - 49% đối với nhiều mặt hàng nhằm kích cầu sức mua…
Các mặt hàng phục vụ thị trường cuối năm dồi dào tại các chợ. Ảnh: CAO THĂNG
Liên kết bán hàng
Có lẽ chưa thời điểm nào, các chủ thuê bao điện thoại phải hứng chịu “cơn mưa” tin nhắn về các chương trình khuyến mãi như thời gian gần đây. Theo thống kê của chị Nguyễn Uyển Chi, thuê bao 0903…..17, chỉ từ ngày 14 đến 17-12, chị nhận gần 30 tin nhắn giảm giá từ các nhãn hàng, như đồ gỗ Chi Lai, thời trang Oasis, Warehouse, Mango, GAP, Aldo, mỹ phẩm Thefaceshop, Yves Rocher… Chưa kể hàng loạt tin nhắn mời mua dự án đất nền, căn hộ chung cư…
Các hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM như Co.opMart, Big C, Metro, Aeon Citimart, Maximart… cũng tăng cường khuyến mãi vào dịp Tết Dương lịch sắp đến. Một vấn đề dễ nhận thấy trong các chương trình khuyến mãi gần đây là có sự liên kết giữa các nhà sản xuất - nhà cung cấp - nhà phân phối để thực hiện dài hơi, trong đó có nhiều nhãn hàng được chia 50% - 50% về chi phí khuyến mãi. Đại diện một hệ thống siêu thị điện máy lớn của TPHCM thừa nhận, để đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu trong năm, siêu thị đã sử dụng triệt để đòn bẩy liên kết với các đối tác trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến mãi, đồng thời mạnh dạn đổi mới cách bán hàng, thông qua phương thức bán hàng trả góp. Cách làm này sẽ giải tỏa về tài chính, giúp khách hàng mạnh dạn mua sắm cuối năm hơn.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều năm qua các DN vẫn thực hiện liên kết theo hướng “đôi bên cùng có lợi” để tồn tại và phát triển. Biểu hiện rõ nhất là các DN sản xuất hàng mỹ phẩm và DN sản xuất đồ nhựa gia dụng. Tại thời điểm này, nếu khách hàng mua một bộ hóa phẩm (gồm nước lau sàn nhà, bột giặt, nước tẩy nhà bếp, nước xả vải) sẽ được tặng kèm một bộ đồ dùng bằng nhựa (gồm thau, rổ, xô, hộp)…
Trong “cuộc đua” khuyến mãi để giành khách hàng, gần đây một hệ thống siêu thị đã không ngần ngại khi công bố là siêu thị bán hàng giá rẻ nhất, đồng thời khẳng định trong bán kính 7km, nếu khách hàng phát hiện mua hàng ở đâu rẻ hơn ở siêu thị này sẽ được bù đắp. Từ phát ngôn này cũng đã gây nhiều tranh cãi từ dư luận, khi cho rằng đây là chiêu tự PR để câu khách. Thực hư ra sao, chính khách hàng sẽ mang đến câu trả lời chân thực nhất.
Chiết khấu hợp lý
|
Mục tiêu của các chương trình khuyến mãi là kích cầu sức mua, tăng doanh thu. Điều này ai cũng hiểu. Nhưng với thực tế đang diễn ra, các nhà kinh doanh mới chỉ đạt được một nửa của mục tiêu, đó là kích cầu sức mua, chứ chưa tăng doanh thu như mong muốn. Theo tính toán của một DN bán lẻ hàng đầu tại TPHCM, dù nỗ lực thực hiện các đợt giảm giá lớn, mỗi đợt với khoảng 2 - 3 chương trình khác nhau, nhưng doanh thu năm nay dự kiến chỉ tăng khoảng 10% - 15% so với năm trước. Ngay như trong dịp kinh doanh Tết Nguyên đán 2015 sắp tới, một số sở, ngành dự báo sức mua có thể tăng 20%, nhưng theo đơn vị này, nếu sức mua tăng được 15% đã là quá tốt! Trên thực tế, nếu trừ đi các yếu tố như lạm phát, chi phí mở các cửa hàng và siêu thị mới thì doanh thu gần như không tăng.
Bản thân các nhà phân phối cũng phải vào cuộc từ chính việc “hy sinh” lợi nhuận để “bù giá” cho khách hàng. Mặt khác, để đảm bảo chỉ tiêu doanh thu, mỗi siêu thị cũng phải tự tính toán, xoay xở để thực hiện chương trình của riêng mình. Trưởng phòng marketing của một hệ thống siêu thị than thở, những năm trước chuyên môn của họ là đi săn lùng các mặt hàng mới, giá rẻ, có sức cạnh tranh cao, thì nay họ chỉ chuyên tâm vào việc theo dõi, “nhòm ngó” các “đối thủ” sẽ tung ra những chiêu trò khuyến mãi gì, ở ngành hàng nào… để có kế hoạch đối trọng nhằm giữ chân khách hàng.
Năm 2014 tiếp tục là một năm đầy thách thức của các DN bởi kinh tế còn khó khăn khiến người dân ngày càng phải “thắt lưng, buộc bụng”. Do sức mua cũng chưa có dấu hiệu tốt hơn nên việc các DN sử dụng triệt để đòn bẩy liên kết để khuyến mãi nhằm kích cầu vẫn sẽ là xu hướng chính của ngành bán lẻ. Khuyến mãi cũng đồng nghĩa DN phải cắt giảm lợi nhuận, cắt giảm chi phí. Nhưng có một thực tế, càng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi thì các nhà sản xuất càng phải chịu áp lực nặng nề từ việc tăng chiết khấu cho nhà phân phối. Về lâu dài, nếu các siêu thị cứ tăng mức chiết khấu để chạy các chương trình khuyến mãi, sẽ đẩy các thương hiệu thuần Việt vào ngõ cụt vì họ không có đủ năng lực tài chính, và phải nhường chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia! Cái giá phải trả của khuyến mãi cũng rất đắt!
THÚY HẢI