Thị trường vàng có bị thao túng?

Vàng đang bị găm hàng, làm giá?

Vấn đề dư luận quan tâm là liệu vàng có bị các công ty trong nước làm giá hay không, khi mà giá vàng thế giới hạ nhiệt nhưng giá vàng trong nước vẫn không giảm, cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Liệu thị trường vàng có bị “nổ bong bóng” như thị trường bất động sản trước đây? Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Vàng đang bị găm hàng, làm giá?

Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước với vàng thế giới ở mức 400.000 đồng/lượng là đã có dấu hiệu đầu cơ, làm giá. Thế nhưng, mấy ngày qua giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng, đó chính là vấn đề khiến nhiều người dân bức xúc. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho rằng nguyên nhân là do Việt Nam đang bị lệch pha cung cầu: Giá xuống thấp thì đổ xô mua, giá lên quá cao thì đổ xô bán. Khi đó, các nhà kinh doanh vàng không đủ điều kiện để bình ổn thị trường. Do vậy, dẫn đến chênh lệch giá.

Nhưng vì sao giá vàng thế giới tăng thì lập lức giá trong nước tăng nhưng giá vàng thế giới giảm, giá trong nước vẫn không giảm? Các chuyên gia phân tích rằng, khi một số doanh nghiệp nhập vàng vào mức cao (khoảng 1.800 USD/ounce vào ngày 23-9) nhưng tại thời điểm đó, vàng chưa về đến Việt Nam, cũng chưa được đưa vào gia công sản xuất. Đến 3 ngày sau, khi giá quốc tế giảm xuống 1.566 USD/ounce thì không doanh nghiệp nào chấp nhận bán ra với mức lỗ 250 USD/ounce (tương đương 5 triệu đồng/lượng). Vì vậy các doanh nghiệp chờ đợi, kỳ vọng giá thị trường quốc tế điều chỉnh tăng lại thì mới bán ra để giảm lỗ.

Do vậy, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Vàng Agribank (AJC) thừa nhận: Giá vàng thế giới thực ra cũng do một số đơn vị đặt ra, cũng như thế, giá vàng trong nước do một số ngân hàng, công ty lớn đặt ra. Đây cũng có thể gọi là “làm giá” nếu như chúng ta gọi nó với ý nghĩa là thiết lập giá vàng. Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Trúc chỉ ra rằng, còn có một nguyên nhân khác mang đặc thù của ngành vàng là do người dân chủ yếu đi mua vàng miếng thương hiệu SJC, trong khi Công ty SJC năng lực sản xuất có hạn và cũng không có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất thêm nữa. Do vậy, ở đây phải nói rõ là giá vàng quốc tế cao hơn giá vàng SJC. Ví dụ như trên thị trường quốc tế có thương hiệu vàng miếng ba chìa khóa của Thụy Sĩ, dù nổi tiếng như thế nhưng vẫn thấp hơn giá SJC 3 đến 4 triệu đồng một lượng trong thời điểm hiện nay, đó là điều vô lý.

Thế nhưng, trên thực tế, giá vàng ở các công ty tuy có khác nhau nhưng đều tăng cao hơn so với thế giới, do vậy nhiều người dân cho rằng có sự bắt tay làm giá giữa các công ty kinh doanh vàng. Về vấn đề này, ông Đỗ Minh Phú thừa nhận: Tại thời điểm giá biến động, hầu hết các công ty đều tham khảo lẫn nhau. Tôi không cho rằng các doanh nghiệp làm giá nhưng nhìn nhau đặt giá thì có.

Để giải quyết việc chênh lệch giá, các chuyên gia cho rằng nhà nước nên cấp giấy phép nhập khẩu vàng để đáp ứng cung cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Phú, hiện nay giá vàng trong nước quy đổi cao hơn nhiều so với thế giới nên người đầu tư cần cẩn thận, tránh tình trạng thua lỗ khi giá trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.

Vai trò quản lý nhà nước ở đâu?

Trước câu hỏi thị trường vàng có bị thao túng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường có bị thao túng hay không còn phụ thuộc lớn vào mức độ cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin của thị trường này (kể cả trong và ngoài nước). Về việc đẩy giá bán trong nước lên cao và chênh lệch nhiều với thế giới, có nhiều yếu tố như đã nói trên, trong đó không loại trừ vấn đề liên quan đến cấu trúc thị trường, cạnh tranh và thông tin thiếu minh bạch nên không loại trừ yếu tố đầu cơ làm giá. Trong bối cảnh như vậy, phải thừa nhận rằng trong thời gian qua, cơ quan quản lý có những chậm trễ, thiếu sót nhất định.

Để giải quyết nhanh “căn bệnh” lệch giá này, các chuyên gia đều thống nhất phương án Nhà nước cần mở rộng cấp quota cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Thế nhưng, đây là vấn đề cần phải bàn khi thực tế có doanh nghiệp đã được cấp quota nhưng vẫn chần chừ chờ tăng giá. Đó là chưa kể, trong lúc chúng ta đang hạn chế nhập siêu lại cấp thêm quota nhập khẩu vàng – một sản phẩm không mang lại giá trị gia tăng cho xã hội – thì càng đẩy chỉ số nhập siêu tăng cao hơn. Chưa kể, cách đây hơn 2 tháng chúng ta ồ ạt xuất khẩu với giá thấp, giờ lại phải nhập về với giá cao hơn thì rõ ràng là vấn đề phải xem lại.

Thế nhưng, người dân cũng như nhiều chuyên gia đều kỳ vọng vào Nghị định quản lý kinh doanh vàng sắp ra đời, khi đó các cơ quan Nhà nước, các bộ ngành và các doanh nghiệp có sự phối hợp tốt thì hy vọng đến cuối năm mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục