Thị trường vật liệu xây dựng chật vật tìm lối ra

Tháng thứ 5 liên tiếp, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi lượng hàng thành phẩm tồn kho gia tăng khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao.
Thị trường vật liệu xây dựng chật vật tìm lối ra

Tháng thứ 5 liên tiếp, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi lượng hàng thành phẩm tồn kho gia tăng khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao.

  • Cung ế, giá vẫn tăng

Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ cửa hàng VLXD trên quốc lộ 13, quận Thủ Đức TPHCM cho biết, từ tháng 4 đến nay doanh thu cửa hàng chỉ đạt trên dưới 50% so với trước. Đơn cử, từ quý 1-2011 trở về trước cửa hàng chị luôn đạt mức bán ra khoảng 100 tấn thép và 3.000 bao xi măng/tháng. Tuy nhiên, bước qua tháng 4 đến nay, mỗi tuần chỉ lác đác vài khách hàng đến mua nhỏ lẻ, chủ yếu để sửa chữa nhà cửa. Còn khách hàng đến đặt mua số lượng lớn VLXD để xây mới nhà gần như vắng bóng.

Số lượng thép tiêu thụ đang giảm trong thời gian qua (ảnh chụp tại một cửa hàng ở quận 7 TPHCM). Ảnh: THANH TÂM

Số lượng thép tiêu thụ đang giảm trong thời gian qua (ảnh chụp tại một cửa hàng ở quận 7 TPHCM). Ảnh: THANH TÂM

Tương tự, ông Trần Minh Huấn, Giám đốc Công ty TNHH XD Hoàng Minh trên quốc lộ 22, quận 12 cho biết, số lượng thép và xi măng của công ty nhập về 2 tháng qua chỉ tiêu thụ hết 1/4 số lượng. Việc kinh doanh ế ẩm khiến vốn vay ngân hàng với lãi suất 2,2%/tháng, đang đẩy công ty lâm vào cảnh nợ nần…

Dù việc sản xuất kinh doanh ế ẩm kéo dài, song trên thực tế giá nhiều loại VLXD vẫn âm thầm tăng giá và đang thiết lập một mặt bằng giá mới. Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xi măng, thép có ít nhất 3 đợt điều chỉnh giá bán trong năm nay với mức tăng 360.000 đồng/tấn đối với xi măng và 2,5 - 3 triệu đồng/tấn thép. Từ đó, đưa giá bán lẻ xi măng lên 1,2 - 1,45 triệu đồng/tấn và giá thép giao tại các nhà máy đang bán ra phổ biến ở mức 15,5 - 15,8 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT). Tương tự, mỗi khối cát tăng giá thêm 10.000 - 20.000 đồng, nâng xe cát 1,25 tấn lên mức 280.000 - 300.000 đồng. Giải thích nguyên nhân tăng giá, các doanh nghiệp đều viện dẫn do các chi phí đầu vào tăng.

  • “Bí” lối ra

Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, tính đến hết ngày 30-6, tổng sản phẩm tồn kho là 1,35 triệu tấn. Tương tự, lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay gần 600.000 tấn nếu cộng thêm lượng thép tại các công ty thương mại và hầu hết nhà máy chỉ sản xuất 50%-60% công suất.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và VICEM đều cho rằng, tác động từ chính sách cắt giảm đầu tư công cũng như thị trường bất động sản đang đóng băng và người dân tiết kiệm chi tiêu do lạm phát... đã khiến thị trường VLXD khá trầm lắng thời gian gần đây. Để giải nguy tình hình khó khăn hiện nay, cả VSA và VICEM đang xây dựng, đẩy mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế do giá trị từ xuất khẩu mang lại không cao.

Thống kê từ VICEM, toàn ngành xi măng đã xuất khẩu được khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó có 2,2 triệu tấn clinker và 300.000 tấn xi măng. Các doanh nghiệp sản xuất thép 7 tháng qua cũng xuất khẩu được khoảng 133.000 tấn, đạt kim ngạch gần 1 tỷ USD. Đây là con số khá khiêm tốn so với mức nhập khẩu 3 tỷ USD của ngành thép trong những tháng đầu năm. Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ hợp lý để không dẫn đến đình đốn sản xuất; có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục