Thi tuyển hiệu trưởng: nên làm đại trà

Sau một thời gian thí điểm, thành phố Đà Nẵng đang thực hiện đồng loạt thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó và chủ trương này đang tạo cơ hội cho người trẻ thực tài, người có năng lực quản lý đứng vào vị trí đầu tàu của mỗi con thuyền giáo dục nhỏ.

Sau một thời gian thí điểm, thành phố Đà Nẵng đang thực hiện đồng loạt thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó và chủ trương này đang tạo cơ hội cho người trẻ thực tài, người có năng lực quản lý đứng vào vị trí đầu tàu của mỗi con thuyền giáo dục nhỏ.

Thay vì bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục theo lối cũ (căn cứ vào thành tích và sự cống hiến), các quận, huyện ở TP Đà Nẵng đều có kế hoạch, chủ động tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu phó, hiệu trưởng bậc tiểu học, THCS một cách công khai. Ngay từ khi có nhu cầu (hiệu trưởng, hiệu phó chuẩn bị về hưu hoặc thuyên chuyển vị trí công tác) là các địa phương đã chuẩn bị tổ chức thi tuyển lãnh đạo cho các trường. Theo đó, việc thi tuyển  được thông báo rộng rãi, công khai chỉ tiêu, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, dân chủ và ai hội đủ điều kiện, tiêu chí tuyển chọn đều được dự thi.

Chủ trương này không chỉ tạo được sự đồng tình cao trong ngành giáo dục mà còn tuyển chọn được những vị “thuyền trưởng, thuyền phó” đủ năng lực, tâm huyết với nghề. Ngoài ra, hội đồng xét tuyển cũng tìm thấy nhiều nhà quản lý giáo dục tỏa sáng với những mô hình sáng tạo, đề án nâng cao chất lượng giáo dục hay và nó được ứng dụng ngay sau khi được trao quyền lãnh đạo. Không những thế, bước đột phá này còn tạo động lực cho các nhà giáo trẻ giỏi nghề, có khát vọng đổi mới - nâng cao chất lượng giáo dục phấn đấu thử tài.

Thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó của các trường phổ thông đang được một số địa phương thí điểm thực hiện, nhưng chưa có nơi nào mạnh dạn làm đại trà như ở TP Đà Nẵng. Cụ thể như đầu năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ninh… thí điểm tuyển chức danh phó hiệu trưởng các trường THPT. Trước đó, năm 2014, quận Tân Bình (TPHCM) cũng có chủ trương thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều - trường chất lượng cao của quận.

Thực tế cho thấy, việc tuyển chọn các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó của các trường học đang trở thành yêu cầu cấp thiết để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Ai cũng thấy hạn chế, kể cả tiêu cực đang xảy ra trong quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục theo cách cũ và có không ít “thuyền trưởng” không hội đủ năng lực quản lý, tài đức đang là lực cản cho cả đoàn tàu cần tăng tốc đổi mới.

Chính vì thế, từ cách làm mang tính đột phá của TP Đà Nẵng, năm học mới 2015 - 2016, ngành GD-ĐT các địa phương nên tham khảo và thay đổi cách làm truyền thống bằng cách tuyển chọn người thực tài vào các vị trí lãnh đạo trường học. Họ phải là những người năng động, tiên phong dám đổi mới, dám phá bỏ cái cũ thì mới tác động đến đội ngũ giáo viên cùng sáng tạo, đưa tư duy mới, cách dạy học mới vào môi trường học đường. Chỉ khi nào có nhiều hiệu trưởng dám nghĩ dám làm thì đoàn tàu giáo dục Việt Nam mới có thể tăng tốc đổi mới. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao TP Đà Nẵng làm được điều này, còn các địa phương khác chưa thể làm được?

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục