Chuyển mình đúng thời điểm
Đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ cho sinh hoạt, đồng thời hạn chế tụ tập đông người của khách hàng, các hộ kinh doanh bán lẻ, doanh nghiệp thậm chí cả những ứng dụng công nghệ đã chuyển hướng tăng cường dịch vụ mua hàng trực tuyến cho khách hàng.
Nếu như trước đây, khách hàng thường quen với việc đến siêu thị hay cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt thì nay, chỉ cần ngồi tại nhà, với vài thao tác đơn giản như chọn sản phẩm cần mua qua web hoặc liên hệ trực tiếp qua điện thoại thì đã có thể mang cả “chợ” về nhà. Để dễ dàng hơn, những siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, CJ Market còn liên kết với các ứng dụng giao hàng trực tuyến, với giao diện đơn giản, dễ dùng, mỗi khách hàng chỉ cần chọn những thực phẩm cần mua trên giao diện có sẵn sau đó nhập địa chỉ nhà, tài xế sẽ “đi chợ” giúp bạn và giao về tận nơi. Cước phí giao hàng hiện cũng đang có nhiều khuyến mãi để khuyến khích người dân mua hàng qua mạng, đảm bảo an toàn.
Thế nhưng mua hàng qua mạng vẫn chưa làm tiêu tan hết nỗi lo của khách hàng bởi tuy không phải đến siêu thị, tụ tập nơi đông người nhưng cuối cùng vẫn phải tiếp xúc với tài xế để nhận hàng. Ngay lập tức, một số ứng dụng công nghệ đã hướng dẫn khách hàng nhận đồ không tiếp xúc trực tiếp với tài xế. Khi tài xế giao hàng sẽ đứng cách khách hàng tối thiểu 2m, đặt hàng tại vị trí, sau đó tự động lùi lại để khách hàng tiến đến nhận đồ. Vì hạn chế tiếp xúc nên ứng dụng công nghệ này cũng khuyến khích khách hàng thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ để không trao đổi tiền trực tiếp.
Không chỉ có các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, nhiều cửa tiệm cũng nhanh chóng chuyển hướng để không bị khách hàng bỏ rơi trong mùa dịch. Chuẩn bị mở một quán trà có quy mô lớn ở quận 3, TPHCM gần đến ngày khai trương nhưng khi dịch bệnh bắt đầu có diễn biến phức tạp, anh Nguyễn Hoài Linh (25 tuổi) đã cho dừng các hoạt động tại quán và lựa chọn bán thử online để giải quyết số nguyên liệu đã nhập số lượng lớn. “Chuyển hướng cho quán bán hàng trực tuyến trên Foody và Grab là giải pháp tốt nhất vào lúc này. Vừa an toàn cho khách hàng, vừa giảm thiểu chi phí vận hành của quán, nếu muốn cầm cự qua dịch thì không còn cách nào tối ưu hơn”, Hoài Linh chia sẻ.
Tương tự, bạn Nguyễn Kiều Anh (27 tuổi), chủ quán Bún Ốc Bắc (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho hay: “Ngày thường hàng quán lúc nào cũng đông từ khi mở tới lúc đóng, mà cả tháng nay ròng rã ế ẩm liên tục. Tôi đang tính trả mặt bằng, về quê thôi chứ không thể trụ nổi thì có khách chỉ cách đăng ký bán trên Foody, Grab. Tôi thử ngay và may mắn là bán được. Có công ty, một bữa gọi vài chục tô giao tận nơi. Vậy là sống rồi!”.
“Sống chung” với dịch bệnh
Theo anh Nguyễn Hoài Linh, để đăng ký bán hàng trên các ứng dụng trực tuyến như Grab, GoViet, Foody thủ tục khá nhanh gọn. “Mình có thể gọi lên tổng đài của hãng rồi người ta cho nhân viên tư vấn gọi lại mình ngay. Sẽ có nhân viên tới tận nơi gặp và trao đổi cụ thể về chiết khấu, cách thức hoạt động. Ví dụ như Grab sẽ chiết khấu mỗi đơn hàng của khách khoảng 20% - 25%. Tức là bán được 100.000 đồng thì quán nhận về 80.000 đồng, Grab thu chiết khấu luôn 20.000 đồng. Mức chiết khấu này có thể tăng lên sau mỗi năm. Sau khi ký hợp đồng thì quán sẽ được cài ứng dụng của hãng để quản lý thực đơn và nhận thông báo mỗi khi khách đặt hàng. Foody hay GoViet cũng vậy, chỉ khác về phần trăm chiết khấu thôi”.
Nhìn vào mức chiết khấu của các ứng dụng trực tuyến, nhiều người cho rằng, con số này khá cao. Trên thực tế, theo nhiều người kinh doanh trực tuyến, các ứng dụng này sẽ giúp quán, cửa hàng tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là những quán, cửa hàng có địa điểm gần các công ty, văn phòng vì mỗi ứng dụng sẽ có phần gợi ý cho khách hàng các tiệm gần nhất với họ. Mỗi cửa hàng cũng sẽ tiết kiệm được chi phí vì không cần liên lạc hay trao đổi trực tiếp với khách hàng. Các ứng dụng trực tuyến này cũng liên tục tung ra các gói khuyến mãi để thu hút khách hàng với giá cả giao hàng cạnh tranh, thậm chí có những gói miễn phí cước giao hàng, từ đó lượng khách đặt hàng tại mỗi cửa hàng cũng có xu hướng tăng lên.
Sau một thời gian lao đao vì dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh đang dần có những tín hiệu khởi sắc nhờ những cách “sống chung” với dịch bệnh. Sự chuyển mình đúng thời điểm góp phần đảm bảo sinh hoạt và an toàn cho người dân.