Tại tỉnh Hưng Yên, mưa lũ đã gây sự cố sạt lở chân mái đê phía hạ lưu đê tả Hồng (do mưa lớn nên đường ống thoát nước tại chân đê phía đồng đã bị nứt vỡ, gây sạt mái đê). Tại Hà Nội xảy ra 2 sự cố đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Tại tỉnh Thanh Hóa xảy ra sự cố sạt lở kè Hàm Rồng đoạn từ Km39+550 đến Km39+630 đê hữu sông Mã. Chiều dài sạt lở 80m, hiện đã lấn vào mái kè.
Báo cáo đến 18 giờ ngày 5-8 từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đã xác định có 8 người chết: Thanh Hóa 5 người (Mường Lát: 1 người, Quan Sơn: 4 người); Bắc Kạn 1 người; Điện Biên 1 người; Lào Cai 1 người. Bên cạnh đó có 11 người còn đang mất tích: tại Thanh Hóa 10 người (huyện Quan Sơn: 10 người) và Điện Biên: 1 người.
Cùng ngày, PCTT-TKCN các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng cho biết, liên tục những ngày qua do ảnh hưởng mưa to, kèm dông lốc đã làm khoảng 590 căn nhà bị sập, nước cuốn trôi và tốc mái; khoảng 377 cây ăn trái các loại bị đổ ngã; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra trên diện rộng và rất phức tạp. Các địa phương đã và đang dồn sức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Theo UBND huyện An Minh (Kiên Giang), huyện đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ… xuống hiện trường giúp người dân di dời tài sản, thu gom tài sản bị sóng biển cuốn trôi; đồng thời giữ gìn an ninh trật tự. Huyện cũng đã thống kê số hộ bị thiệt hại, đề nghị tỉnh có hướng hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Kiên Giang cho biết, đợt triều dâng, sóng to tràn đê biển mấy ngày qua đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 9 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã đến các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, thị xã Ngã Bảy… kiểm tra, khắc phục hậu quả thiên tai và động viên người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tỉnh Hậu Giang có 153 căn nhà bị sập, tốc mái, mỗi hộ có nhà bị hư hỏng được hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng.
Tin từ UBND tỉnh Cà Mau, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày qua đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, sập 91 căn nhà, tốc mái 472 căn nhà... Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỷ đồng.
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 5-8, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lò Thị Quạm bị lũ vùi lấp tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Như vậy, bản này vẫn còn 9 người mất tích sau trận lũ dữ sáng 3-8. Trong số những người mất tích này có tới 6 người trong một gia đình, đó là gia đình ông Hà Văn Tiệu, còn tại huyện Mường Lát, 1 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Đến chiều 5-8, vẫn còn 10 bản bị chia cắt, cô lập, trong đó có 3 bản thuộc địa bàn xã Mường Chanh (huyện Mường Lát), 7 bản thuộc các xã Na Mèo, Sơn Điện, Sơn Thủy (huyện Quan Sơn). Qua thống kê sơ bộ, địa bàn 2 huyện này có 39 nhà dân bị đổ sập và cuốn trôi; 858 hộ với 3.594 khẩu hiện đang bị ảnh hưởng bởi cô lập và chia cắt.
Cùng ngày, ông Phon Súc In Thạ Vông, Huyện trưởng huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) đã gửi văn bản tới huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị hỗ trợ tìm kiếm 7 người Lào mất tích. Văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Viêng Xay có mưa rất lớn gây lũ quét. Thời điểm từ 4 - 5 giờ sáng ngày 3-8 tại khu vực suối Xia lũ đã cuốn trôi 7 người. Đội tìm kiếm cứu nạn huyện Viêng Xay đã tìm kiếm dọc suối Xia đến hết địa phận biên giới Lào - Việt Nam (giáp ranh với xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn) nhưng chưa thấy những người bị nạn. Vì vậy, huyện Viêng Xay đề nghị huyện Quan Sơn hỗ trợ tìm kiếm 7 người mất tích, gồm: Bia Ching Tho (nam, 47 tuổi), Dơ (nữ, 45 tuổi), Nhia (nam, 17 tuổi), Chếnh (nam, 13 tuổi), May Sua Tho (nữ, 22 tuổi), Xia Xi (nữ, 5 tuổi) và Mênh Xông (nữ, 4 tháng tuổi).
Sau khi nhận được văn bản trên, UBND huyện Quan Sơn đã báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời thông báo đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và lực lượng đang tìm kiếm người mất tích ở bản Sa Ná (xã Na Mèo) nắm rõ thông tin, phối hợp tìm kiếm.