Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 khoảng 23 tỷ USD

Tại hội nghị tái cơ cấu thị trường khách du lịch diễn ra ngày 19-11 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Dự báo, trong năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 80%, nội địa sụt giảm 50% so với năm 2019. Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 dự báo khoảng 23 tỷ USD.

 

Phát biểu tại sự kiện do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020 đang diễn ra, ông Khánh cho biêt từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 khoảng 23 tỷ USD ảnh 1 Cơ cấu lại thị trường khách du lịch là yêu cầu tất yếu để ổn định và phát triển trong thời điểm hiện tại
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đây là lúc cùng nhau tìm giải pháp cho sự phát triển của ngành du lịch thời gian tới, đặc biệt là việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế, nội địa. Du lịch Việt Nam phải sớm sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới sau dịch Covid-19 với những thách thức đi kèm, do đó phải chủ động những phương án tốt nhất.

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, sự tăng trưởng của các thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế) thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của du lịch Việt Nam. Tuy vậy, sự tăng trưởng này cũng khiến ngành du lịch gặp một số hạn chế và thách thức. Đó là cơ cấu khách quốc tế phụ thuộc vào một số thị trường, nhiều rủi ro, chất lượng chưa cao, một số địa phương đang có tình trạng tăng trưởng của khách Trung Quốc tỷ lệ nghịch với tăng trưởng của khách châu Âu, Nhật Bản....

Việc tăng trưởng nóng của một số thị trường làm quá tải tại một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia.

Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 khoảng 23 tỷ USD ảnh 2 Chú trọng tới nguồn khách nội địa đầy tiềm năng là xu hướng cần nắm bắt của du lịch trong thời gian tới
Về cơ cấu thị trường theo mức độ chi tiêu và độ dài thời gian lưu trú thì tỷ lệ khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày còn ít. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị thu lại từ khách du lịch chưa cao. Việc phát triển sản phẩm và thu hút khách du lịch chưa căn cứ trên nhu cầu của thị trường, chưa xác định được một cách rõ ràng các phân khúc cần tập trung đẩy mạnh khai thác và tập trung nguồn lực để khai thác. Khách vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long... nhưng chưa đều và ổn định vào các thời điểm trong năm, vẫn mang tính mùa vụ.

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia cũng có xu hướng khuyến khích công dân đi du lịch nội địa để bù đắp lại sự thất thu du lịch quốc tế gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bản thân du khách cũng có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn khi đi du lịch. Việc quyết định đi du lịch cũng khó khăn hơn do kinh tế phục hồi chậm hoặc thu nhập bị giảm sút.

Đại diện của Vietnam Airlines cũng cho rằng hiện du khách nội địa vẫn hướng tới các sản phẩm truyền thống như đi biển thì có Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; đi Tây Bắc thì có Sapa, Hà Giang… trong khi còn rất nhiều điểm khác hấp dẫn. Vì thế cần khảo sát và khai thác tốt hơn thị trường nội địa tiềm năng.

Booking.com cũng vừa công bố tổng hợp nghiên cứu thu thập thông tin từ hơn 20.000 khách du lịch từ 28 quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy du lịch nội địa sẽ tiếp tục là lựa chọn phổ biến của du khách Việt. Trong tương lai, du lịch gần nhà và các trải nghiệm quen thuộc sẽ được ưu tiên hơn so với việc khám phá những điểm đến mới lạ. 57% du khách Việt vẫn có kế hoạch đi trong nước trong trung hạn (7-12 tháng tới), trong khi 48% du khách có dự định tương tự trong dài hạn (trên một năm).

Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 khoảng 23 tỷ USD ảnh 3 Yêu cầu đặt ra là phải làm mới các sản phẩm, đa dạng hóa thị trường khách du lịch
Tại hội nghị cũng ghi nhận một số đề xuất việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường.
Ngành du lịch cần đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới; tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền…

Tin cùng chuyên mục