Một lần nữa sau Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 15, Cục phó Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh đã thừa nhận: “Phải thừa nhận công tác tổ chức LHP còn những bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao. Có một thực tế, để chuẩn bị cho LHP, nhiều ban bệ đã được thành lập nhưng người thực làm và làm tốt công việc lại không bao nhiêu. Mặt khác, việc phối hợp giữa các ban, ngành, giữa địa phương và trung ương đôi chỗ chưa “ăn khớp” (*)…”. Đây là một điệp khúc mà chúng ta đã nghe mãi, nghe mãi sau mỗi lần LHP.
Bởi lần nào cũng có những bất cập, những sự việc diễn ra “ngoài ý muốn” để nghiêm khắc rút kinh nghiệm cho lần LHP sau. Tất cả chúng ta đều rất tin vào lời hứa ấy, bởi thực sự khi tổ chức bất kỳ một lễ hội hay liên hoan nào, ai lại không muốn nó được hoàn thiện và chuyên nghiệp. Nhưng vì sao dù đã tổ chức đến lần thứ 15 mà LHP Quốc gia lại cứ gặp những cảnh trớ trêu đến vậy? Vẫn những cảnh chen lấn, hỗn loạn giữa công chúng và diễn viên, vẫn khách mời không có đủ ghế ngồi, vẫn MC đơn điệu, vẫn cung cách phát giải như chạy nước rút…
Dù lần nào cũng nghiêm khắc rút kinh nghiệm, nhưng với cung cách tổ chức LHP theo kiểu “gánh xiếc rong” như hiện nay, có lẽ những người có trách nhiệm cũng không dám tin vào lời hứa của chính mình. Bởi mỗi LHP được tổ chức ở một địa phương khác nhau, tất nhiên chất lượng LHP cứ khi trồi khi sụt, lần nào tổ chức tại Hà Nội hoặc TPHCM thì LHP có tầm cỡ quốc gia hơn, nhưng khi về các thành phố khác, thì tùy thuộc vào cơ sở vật chất ở nơi đó.
Một địa phương chưa từng tổ chức LHP, chưa biết LHP là cái gì thì làm thế nào để cho nó “có tính chuyên nghiệp”? Đó là điều ai cũng biết, nhưng vẫn cứ để nó đi mãi vào lối mòn suốt bao nhiêu năm qua một cách hết sức hồn nhiên… Và càng trớ trêu hơn khi LHP lần thứ 15 giương cao tiêu chí rất kêu “vì một nền điện ảnh đổi mới và hội nhập” nhưng đổi mới và hội nhập gì mà luộm thuộm đến mức khó tin như vậy, đến mức bảo vệ buổi lễ bế mạc không còn phân biệt nổi nhà báo và các fan cuồng nhiệt, chỉ còn biết xoay tròn cái dùi cui trước một đám đông hỗn loạn…
Bao nhiêu điều phải rút kinh nghiệm với LHP Nam Định vừa qua, nhưng rút kinh nghiệm để làm gì, để làm tốt hơn ở LHP sau chăng? Đó là điều hoàn toàn không ở tầm tay Ban tổ chức. LHP VN lần 16 sẽ về với TPHCM, và nhiều người tin rằng sẽ tốt hơn. Ban tổ chức cũng tin vậy, đó là niềm tin có cơ sở, vì TPHCM đã một lần tổ chức LHP lần 6 vào năm 1983 và đã làm rất tốt.
Cách đây 24 năm, LHP VN đã trở thành 1 ngày hội của người Sài Gòn, cả công viên Tao Đàn trở thành nơi chiếu phim ngoài trời cho công chúng vào xem tự do. Mỗi điểm chiếu đều có các diễn viên đến giao lưu với công chúng và diễn lại những cảnh cao trào trên phim ở sân khấu ngoài trời.
Còn nhớ diễn viên Lâm Tới đã làm khán giả trào nước mắt khi anh trở về với ông Tám Quyện bị chôn sống nói lời từ biệt bà con trong phim Mùa gió chướng. Còn nhớ khán giả đã say đắm biết bao giọng hát của Nguyễn Chánh Tín trong chiếc áo khoác của nhà tình báo chiến lược Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa…
Không ai rút kinh nghiệm cho ai bởi mỗi thành phố đều có đặc trưng đáng tự hào của riêng mình. Đó là sự thật. Và sự thật ấy chính là sự thăng trầm rõ nét của từng LHP. Cục Điện ảnh được giao trách nhiệm, được rót kinh phí và kết hợp với từng địa phương để tổ chức LHP, nhưng rõ ràng sự thành bại không phải là chuyện của cục.
Vì thế, không nên đòi hỏi Cục Điện ảnh rút kinh nghiệm, bởi cục sẽ còn dài dài thừa nhận sự bất cập, sự thiếu chuyên nghiệp… nếu như không có một quyết định mới mẽ hơn về sự định hình một LHP quốc gia và hướng đến LHP quốc tế ở một thành phố nhất định.
Và công chúng sẽ còn ngồi xem “gánh xiếc rong” tiếp tục lang thang, tiếp tục hát mãi một bài rất cũ: “Phải thừa nhận công tác tổ chức LHP còn những bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao...”.
Bích Châu
(*) Trích PV ông Lê Ngọc Minh trên báo Người lao động ngày 30-11-2007.