Thiếu thông tin về biến đổi khí hậu: Người dân khó chủ động

Ngày 17-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng, BĐKH đã và đang tác động tiêu cực đến khu vực ĐBSCL nhưng vấn đề truyền thông hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức về vấn đề này còn hạn chế. Phần lớn người dân vẫn cho rằng đây là vấn đề của Chính phủ, của các nhà khoa học, trong khi họ chính là nạn nhân phải hứng chịu nặng nề nhất từ BĐKH.

Trên thực tế, nghiên cứu từ các tổ chức môi trường thế giới chỉ rõ, BĐKH đang khiến tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng cao, xói lở bờ sông, bờ biển, giảm lượng phù sa và sụt lún đất mặt… tại các tỉnh ĐBSCL tăng nhanh. 

Kết quả quan trắc tốc độ lún đất mặt do Bộ TN-MT thực hiện cho thấy, các tỉnh thành Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, TPHCM… có tốc độ lún trung bình khoảng 1cm/năm. Nguyên nhân cũng được xác định do mực nước biển dâng cao, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh…

Vấn đề kiểm soát mặn cũng chưa được quan tâm, ranh giới mặn ngọt không rõ ràng. Thực tế này cộng với việc nước biển dâng khiến diện tích đất ngập mặn ở ĐBSCL tăng mạnh… Mặt khác, lượng nước và phù sa vùng ĐBSCL ngày càng thất thường, khó dự báo, cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất sản xuất, canh tác, nuôi trồng của người dân khu vực này.

Bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh, để giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH, cần có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông trong việc xây dựng giải pháp tiếp cận, tuyên truyền thông tin đến người dân ĐBSCL, giúp người dân chủ động ứng phó hơn với BĐKH. Ở góc độ chính phủ, cần đầu tư hạ tầng, đủ để liên kết, điều phối mang tính chất toàn vùng ĐBSCL; đồng thời cam kết làm việc với các đối tác phát triển để hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và tài chính để xây dựng quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL. Trong đó, tập trung giải quyết tình trạng có quá nhiều quy hoạch chồng chéo giữa các ngành liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Ngoài ra, các đối tác phát triển Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới cũng cam kết tăng cường hỗ trợ để làm các vấn đề khác liên quan đến bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh nước, cải thiện tính kết nối tại ĐBSCL trong đó có đường thủy nội địa và nhiều lĩnh vực khác. Nông dân sẽ được hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống sản xuất theo hướng thích ứng hơn với BĐKH và gia tăng sự phát triển bền vững về môi trường, phát thải khí carbon thấp.

Cùng ngày, Bộ TN-MT bàn giao sản phẩm ngành TN-MT cho 19 tỉnh thành ĐBSCL, gồm phần mềm bản đồ quan trắc chất lượng nước, hỗ trợ ngăn xâm nhập mặn, nước dâng bất thường, gió, cảnh báo lan truyền ô nhiễm dầu và vật trôi nổi trên mặt nước và mô hình dự báo mực nước ngập do mưa… Đây được xem là nền tảng cơ sở để các tỉnh thành ĐBSCL có thể theo dõi, cập nhật, dự báo những tác động của BĐKH đến khu vực mình trong thời gian tới. Từ đó chủ động xây dựng giải pháp thích ứng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH gây ra trong thời gian tới.

Dự kiến hôm nay 18-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Tin cùng chuyên mục