“Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – Một đời binh nghiệp”

“Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – Một đời binh nghiệp”

Mùa hè năm 1948, một thanh niên mới 17 tuổi đã•lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp anh dũng của dân tộc. Người thanh niên đó là Nguyễn Đăng Nhược, vào bộ đội lấy tên mới là Nguyễn Đức Huy.

Tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Đức Huy được chọn đi học lớp đặc biệt đào tạo trinh sát viên. Đầu tháng giêng năm 1949, sau hơn bảy tháng nhập ngũ, Nguyễn Đức Huy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Nguyễn Đức Huy tiếp tục trải qua nhiều đơn vị và cương vị công tác. Năm 1965, sau khi kết thúc khóa đào tạo cán bộ quân sự trung cao cấp quân đội, Nguyễn Đức Huy về nhận công tác tại Sư đoàn 304 và sẵn sàng vào Nam chiến đấu.

Những năm tháng chiến đấu từ chiến trường Khe Sanh rực lửa, Đường 9 Nam Lào đến giải phóng Sài Gòn, đặc biệt là ở Quảng Trị là những năm tháng cực kỳ gian khổ, hy sinh nhưng cũng thật tự hào và sâu đậm đối với Nguyễn Đức Huy. Anh đã chỉ huy trực tiếp nhiều trận đánh trên các cương vị khác nhau, từ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng đến Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Sư đoàn. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sáng ngày 2-5-1972, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, toàn bộ thị xã- thành cổ Quảng Trị đã•hoàn toàn được giải phóng. Nguyễn Đức Huy vinh dự được cấp trên tin cậy chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời của thị xã - thành cổ Quảng Trị.

Cũng tại Quảng Trị, tháng 9 năm 1973, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã•đến thăm chiến trường này. Nguyễn Đức Huy được thay mặt cán bộ và chiến sĩ trực tiếp bảo vệ và giữ vững thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm - đến báo cáo thành tích và bắt tay Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cuốn sách “Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - một đời binh nghiệp” còn ghi lại quá trình chiến đấu của ông và đồng đội tham gia chiến dịch Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng, hành quân thần tốc từ Đà Nẵng đến Sài Gòn và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Trong lời tựa của cuốn sách, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết về tướng Nguyễn Đức Huy: “Suốt 48 năm liên tục trong quân ngũ, được rèn luyện thử thách trong hai cuộc kháng chiến, có mặt ở hầu hết các chiến trường, được giao phụ trách nhiều cương vị từ đơn vị cơ sở đến cấp Quân khu (năm 1993, tướng Nguyễn Đức Huy là Quyền Tư lệnh Quân khu 2), ở cương vị nào, dù nhiệm vụ khó khăn phức tạp mấy anh đều hoàn thành tốt.

Trong chiến đấu anh là một chiến sĩ, một cán bộ dũng cảm, gan dạ. Trong cương vị chỉ huy, anh là một trong những chỉ huy có bản lĩnh: Vững vàng, kiên định, gặp tình huống khó khăn không nản chí, bình tĩnh, mưu trí, sáng tạo, quyết đoán; tác phong dân chủ, sâu sát đồng đội, tính kỷ luật nghiêm minh, khiêm tốn, giản dị, thẳng thắn, đoàn kết, được cán bộ, chiến sĩ tin yêu... Anh là một vị tướng, một cựu chiến binh sống có tình, có nghĩa, có trước, có sau...”.

Đặng Việt Thủy

Tin cùng chuyên mục