Nền văn học nào cũng có hai mảng là sáng tác và lý luận phê bình. Những nhà phê bình văn học có tâm có tài bao giờ cũng là người bạn quý và không thể thiếu của các nhà sáng tác. Họ là những người đồng hành của các nhà văn, nhà thơ.
Hoài Thanh là một điển hình về nhà phê bình có tâm có tài ở nước ta, vì từ ông phong trào thơ mới 1930 – 1945 được tôn vinh xứng đáng và những cái hay cái đẹp của thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên… được phát hiện, soi chiếu, tỏa sáng.
Trong cảm nhận của không ít người, với tác phẩm Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh khen chê đều trung thực, chân thành, tinh tế trên cơ sở của những hiểu biết sâu sắc phong phú về thơ ca và đời sống. Ông là người góp phần làm cho thời đại thơ mới bay lên và tỏa sáng đến hôm nay.
Thiết nghĩ các nhà thơ và bạn đọc hôm nay cũng mong nước ta có những người phê bình thơ tâm sáng tài cao như Hoài Thanh thời thơ mới để vững lòng hơn trong sáng tác và thưởng thức thơ ca. Tuy vậy, nhìn lại mấy năm gần đây tôi thấy chưa có nhiều cây bút phê bình thơ thực sự bám sát đời sống sáng tác thi ca. Nhiều khen chê của họ chưa đủ tầm để các nhà sáng tác tâm phục khẩu phục. Người ta khen chê nhau lắm khi vì cái gì đấy ngoài thơ, vừa thoát ly văn bản, vừa thoát ly đời sống. Có bài phê bình khi đọc lên chỉ thấy chữ nghĩa tác giả véo von, bóng bẩy chẳng thấy hồn vía của những câu thơ, bài thơ đâu cả. Nhiều câu thơ trích dẫn thiếu tính thuyết phục.
Nhìn chung, phê bình thơ ở nước ta hiện nay còn mờ nhạt, khá vô vị, nó chưa theo kịp bước đi của sáng tác thơ. Với các nhà phê bình chuyên nghiệp, hình như không ít người đã né tránh công việc này. Thơ đang “bung” ra với nhiều cách viết, nhiều kiểu thể nghiệm. Đa dạng, phong phú nhưng cũng rối rắm vô cùng. Bất chấp khó khăn về kinh tế và thời bão giá, thơ vẫn được in ra khá nhiều. Đáng buồn nhất là thơ in ra chỉ để biếu và tặng chứ không bán được mấy. Người làm thơ tăng lên nhưng người đọc thơ, yêu thơ, phê bình thơ ít dần đi. Lý do: Thơ xa rời cuộc sống nhân dân. Thơ nôm na dễ dãi. Thơ tắc tị bí hiểm. Thơ rối rắm rắc rối. Tất cả cứ rối tung rối mù lên.
Nhà sáng tác và nhà phê bình đôi khi cũng cảm thấy phân tâm, hoang mang trước thực trạng đó. Chính lúc này đây rất cần những nhà phê bình thơ bản lĩnh và có nghề để giúp bạn đọc và người sáng tác nhận ra giá trị đích thực của các tác phẩm thơ. Đâu là cái hay thực sự của thi ca và đâu là sự ngụy tạo. Mỗi người có một cách phê bình riêng, tùy thuộc trình độ và sự từng trải của họ. Với các nhà phê bình chuyên nghiệp, họ là những người nắm chắc lý luận thi ca, có điều kiện mổ xẻ phân tích tác phẩm một cách bài bản và có khả năng đối chiếu so sánh giữa các tác giả, các tác phẩm với nhau. Rộng hơn, họ có thể đối chiếu so sánh với những nền thơ ca khác, những tác giả ở ngoài nước. Đây là đội ngũ chủ lực của phê bình thơ. Các nhà thơ phê bình thơ mạnh ở sự từng trải cuộc sống với độ nhạy cảm cao, thông thuộc chuyện bếp núc thi ca. Công chúng phê bình thơ thông qua sự cảm nhận hồn nhiên của họ.
Với đội ngũ phê bình chuyên nghiệp nhiệt tình làm nòng cốt cộng với sự tham gia có trách nhiệm của các nhà thơ và công chúng, ắt hẳn việc phê bình thơ sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn.
NGUYỄN HỮU QUÝ