Theo Viện Y dược học dân tộc TPHCM, thoái hóa khớp (THK) đang là thách thức lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với khoảng 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi mắc phải. Đây là căn bệnh gây đau đớn, giảm sút năng suất lao động, giảm chất lượng sống cũng như nguy cơ tàn phế rất cao. Tuy nhiên, hiện công tác dự phòng còn bất cập, các biện pháp tây y, ngoại khoa được vận dụng triệt để hơn là y học dân tộc.
Có xu hướng gia tăng
Ghi nhận tại Bệnh viện Quận 2 TPHCM cho thấy, trung bình mỗi tuần có không dưới 100 bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về khớp, tập trung ở người cao tuổi. Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, đa số người dân đến khám là cư ngụ trên địa bàn, có truyền thống làm nông hoặc lao động phổ thông nên bị mắc THK, thoái hóa cột sống khá nhiều. Còn tại các bệnh viện tuyến thành phố, trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về xương khớp gia tăng trong những năm gần đây và có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi ngày phòng khám khớp tiếp 300 bệnh nhân. Trong đó, phần lớn bệnh nhân đã ngoài tuổi 50 và mắc các bệnh chủ yếu là THK, viêm khớp, vôi hóa khớp. Theo các bác sĩ chuyên khoa cột sống, THK, cột sống có tuổi mắc sớm hơn tuổi loãng xương và cũng là bệnh hàng đầu làm giảm, mất khả năng vận động… Theo bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân Dân 115, khoảng 2/3 bệnh nhân được chẩn đoán THK phải nhập viện điều trị và thường để lại những di chứng khó hồi phục. Các bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, tiếp theo là các vấn đề về lưng và cột sống. Còn thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, nếu năm 2011 có gần 70.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị cơ xương khớp thì 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng trên 80.000 lượt bệnh nhân, trong số đó có tới gần 50% trường hợp THK gối và khớp háng cần được phẫu thuật để thay.
Theo các chuyên gia y tế, THK không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình. “Hậu quả bệnh thường gây đau đớn, tàn phế, đòi hỏi điều trị lâu dài và tốn kém”, PGS-TS Lê Anh Thư, khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại hội thảo do Viện Y dược học dân tộc TPHCM tổ chức mới đây.
Một trường hợp thoái hóa khớp dẫn đến bị gãy phải thay khớp háng ở Bệnh viện Quốc tế IPAK
Châm cứu cải thiện!
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, THK là một thách thức trong điều trị. Có trên 100 loại viêm khớp, trong đó THK chiếm 50%, còn lại là các bệnh viêm khớp hệ thống, gút… Các chuyên gia y tế nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về khớp phổ biến là vận động thái quá, hàng ngày sụn khớp phải chịu tác động của nhiều lực nén, lực ma sát khi cơ thể vận động nên dễ bị bào mòn theo thời gian. Ngoài ra, các trường hợp chấn thương tại khớp do tập luyện, tai nạn càng khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng hơn. Kế đó là các bệnh béo phì, gút, tiểu đường… cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến THK. Tuổi tác cũng ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh về xương khớp. Khi tuổi cao, quá trình tổng hợp của sụn bị suy giảm do sự lão hóa chung của cơ thể. Các chuyên gia y tế cũng xác nhận, ngoài những chấn thương, tai nạn hay những “di chứng” đặc thù của nghề nghiệp, thoái hóa sụn khớp thường diễn tiến âm thầm theo thời gian ở lứa tuổi sau 40 mà không có dấu hiệu báo trước. Theo Hội Cơ xương khớp Việt Nam, hiện nước ta có tới 30% người trên tuổi 35, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị THK. Tuy nhiên, việc điều trị hiện nay tại các cơ sở y tế cũng gặp nhiều thách thức bởi mạng lưới chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh chưa phổ biến và có độ phủ rộng khắp.
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, mục đích điều trị THK phải hướng tới loại trừ các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa; giảm đau, kháng viêm; giữ gìn, duy trì chức năng vận động của khớp, làm chậm tiến trình thoái hóa như bảo vệ và cải thiện cấu trúc sụn khớp, tiết kiệm khớp (giảm áp lực lên sụn khớp) bằng cách có chế độ tập luyện, sinh hoạt, làm việc hợp lý. Trong đó, các biện pháp hỗ trợ điều trị và điều trị không dùng thuốc cần được quan tâm như duy trì nếp sống năng động, đủ dinh dưỡng: chế độ ăn uống đa dạng, giàu khoáng chất và vitamin; chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp; tránh quá cân, béo phì… “Hiện có nhiều biện pháp điều trị THK, từ nội khoa đến ngoại khoa, mỗi cơ địa bệnh nhân phù hợp với một phương pháp nhưng đa phần bệnh nhân mắc phải bệnh THK khi lớn tuổi, lại đi kèm các bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp, tiểu đường…, đây là một thách thức”, PGS Anh Thư cho biết. Còn theo TS-BS Ngô Anh Dũng (Viện Y dược học dân tộc TPHCM), các vị trí bị THK có tỷ lệ cao nhất là cột sống thắt lưng (31%); cột sống cổ (14%) và khớp gối (13%). Ngoài các biện pháp điều trị bằng thuốc, theo TS Anh Dũng có thể điều trị bằng châm cứu: “Hiệu quả của châm cứu đối với các loại THK là giảm đau và qua đó phục hồi chức năng vận động của khớp”. Trong đó, châm cứu có thể ngăn chặn diễn tiến của THK ở phụ nữ tiền mãn kinh. “Nhiều nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng chứng tỏ châm cứu, kể cả điện châm lên các huyệt có hiệu quả đáng kể”, TS Dũng chia sẻ.
|
TƯỜNG LÂM