Thoát hiểm trong khách sạn, nhà trọ

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng xảy ra không ít các vụ cháy khách sạn, gây thiệt hại nặng về tính mạng lẫn tài sản của người dân. Trên thực tế, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khách sạn, nhà trọ lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập do chủ cơ sở còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị kỹ nên khi sự cố xảy ra, hậu quả thường kèm theo nặng nề. 
Bản thân khách lưu trú tại khách sạn cũng không mấy quan tâm về công tác PCCC cũng như các biện pháp, trình tự tự cứu khi có cháy nổ xảy ra. Chị Lê Thị Lệ Thu, khách thuê phòng khách sạn tại quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Từ trước đến nay, bên cạnh giá cả, tiện nghi, thái độ phục vụ thì thật sự tôi chưa dành sự quan tâm nhiều đến công tác PCCC của cơ sở khi lựa chọn khách sạn để lưu trú”.

Đặc thù của các cơ sở này thường có đông người tập trung, đa dạng về lứa tuổi, trình độ nhận thức cũng như tâm sinh lý... nên cũng sẽ có thái độ, phản ứng không giống nhau khi chẳng may gặp phải sự cố cháy nổ. Đa số khách sạn hiện là dạng nhà ống, nhà cao tầng; do đó khi có hỏa hoạn xảy ra việc tổ chức thoát nạn và chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hầu hết công trình cơ sở này đều bố trí, lắp đặt, sử dụng các hệ thống như: thang máy, thông gió, đường dây dẫn điện… chằng chịt nên khi xuất hiện sự cố cháy nổ, ngọn lửa có nhiều khả năng lan truyền theo các hệ thống này và gây cháy toàn bộ khách sạn. Bên cạnh đó, việc mất an toàn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt là nhóm nguy cơ gây cháy nổ cao tại khách sạn. Chưa kể, hiện các khách sạn thường xây dựng tầng hầm dùng làm nơi để xe, trạm phát điện và nhiều bộ phận kỹ thuật khác… Đây cũng là khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ và nếu cháy xảy ra tại khu vực này có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, cũng như khó khăn trong công tác triển khai chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. 

Qua thực tế công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở kinh doanh khách sạn trên địa bàn, đại tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh, cho rằng việc không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ; không tuyên truyền cho khách thuê phòng về các quy định đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; việc vứt tàn thuốc bừa bãi của khách thuê phòng... là những vi phạm phổ biến trong thực hiện quy định đảm bảo an toàn PCCC mà các cơ sở kinh doanh khách sạn trên địa bàn quản lý của đơn vị còn mắc phải. Từ tâm lý chủ quan đó, dẫn đến khi có sự cố cháy nổ xảy ra thường ít ứng phó kịp thời và đúng cách hoặc khi cháy lớn càng lúng túng, dễ bị thiệt hại nặng. 

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các khách sạn, nhà trọ, bên cạnh vai trò của lực lượng chức năng; trách nhiệm của cơ sở thì ý thức của khách thuê phòng cũng rất quan trọng. Người thuê nên chủ động trang bị cho bản thân một số kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, thoát nạn, thoát hiểm trong các tình huống nguy cấp liên quan đến hỏa hoạn... để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, bạn bè khi không may có sự cố cháy nổ xảy ra.
Bạn cần làm gì để bảo đảm an toàn khi đang ở khách sạn, nhà nghỉ với tình huống xảy ra cháy?
- Chọn khách sạn có trang bị cả hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.
- Khi làm thủ tục nhận phòng, hãy hỏi lễ tân để nhận biết âm thanh báo cháy như thế nào.
- Vào đến phòng, hãy xem sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được trang bị tại từng phòng.
- Dành thời gian tìm hiểu các lối thoát nạn và đếm số cửa nằm giữa phòng của mình và lối ra thoát nạn. Hãy chắc chắn rằng, lối ra thoát nạn được mở, nếu bị khóa, hãy báo cho quản lý khách sạn.
- Để chìa khóa phòng cạnh giường ngủ và cầm theo nếu xảy ra cháy.
- Khi thấy có sự cố, hãy dùng nút ấn báo cháy để báo động cho mọi người; đồng thời rời phòng ngay lập tức, đi theo chỉ dẫn của đèn chỉ dẫn lối thoát hiểm để nhanh chóng ra khỏi khu vực có sự cố, đóng tất cả các cửa phía sau bạn và sử dụng cầu thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn, vì nếu như mất điện đột ngột, bạn sẽ bị kẹt trong thang máy và rất khó thoát ra ngoài.
- Nếu phải thoát nạn xuyên qua khu vực có khói, hãy cúi thấp người và di chuyển bên dưới làn khói đến lối thoát hiểm. Sử dụng mặt nạ phòng độc (nếu có) hoặc dùng khăn ướt, vải ướt che mặt - mũi và chăn ướt quấn, choàng lên người và nhanh chóng lao qua đám cháy trước mặt trong thời gian nhanh nhất.
- Trong trường hợp không thể tự thoát nạn sau khi kiểm tra nhiệt độ bên ngoài phòng bằng cách chạm tay vào tay nắm cửa hoặc quan sát, cần phải: Tắt tất cả quạt và điều hòa không khí. Dùng khăn ướt chèn vào các khe cửa để tránh khói bay vào phòng. Gọi điện thông báo vị trí nơi bạn đang mắc kẹt ngay lập tức. Hãy đợi ở cửa sổ và gây sự chú ý bằng âm thanh, quần áo sáng màu, sặc sỡ, hoặc dùng vật phát sáng như đèn pin để báo cho mọi người biết bạn đang ở vị trí cửa sổ.
- Điều quan trọng nhất: Hãy giữ bản thân thật bình tĩnh, sáng suốt khi gặp sự cố. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho bạn và người thân trong trường hợp có cháy nổ.
 

Tin cùng chuyên mục