Thoát ly nông thôn

Những suy nghĩ của giới trẻ sống ở nông thôn Thái Lan đang làm cho không ít các bậc phụ huynh phải phiền lòng, bởi họ lo sợ ngành nghề chính nuôi sống gia đình sẽ bị mai một theo thời gian. Còn các nhà chức trách thì lo ngại về hiện trạng những cánh đồng lúa thiếu hụt lực lượng nhân công trẻ, gây khó cho ngành sản xuất gạo đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới hiện nay.

Thống kê của những năm qua cho thấy, độ tuổi trung bình của nông dân Thái Lan đang tăng lên, từ 31 tuổi trong năm 1985 lên độ tuổi 42 ở năm 2010. Đối với thanh niên miền quê Thái Lan, trồng lúa là công việc rất cực nhọc vì phải lội xuống bùn, xới đất, trần mình dưới cái nắng cháy da để gieo từng hạt thóc. Họ chọn cách tìm tương lai ở những đô thị lớn như Bangkok, nơi có thể kiếm được công việc ưng ý với mức lương gấp nhiều lần việc trồng lúa ở nhà. Đó cũng chính là lý do khiến ngành trồng lúa ở nông thôn giờ chỉ dành cho những người ở độ tuổi trung niên và cả những người cao tuổi. Ngay cả những người nông dân từng bám đất, bám làng giờ cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Họ cũng muốn bán đi những mảnh ruộng cho các công ty xây dựng để có một số vốn kha khá lên thành thị buôn bán thay vì sản xuất lúa.  

Ông Iam Thongdee, xuất thân từ một gia đình nông dân và giờ là giáo sư chuyên ngành xã hội học tại trường đại học Mahidol ở Bangkok nhận định: “Hiện tượng này đã xảy ra trong một thời gian dài, đây là điều rất báo động. Người Thái đang đánh mất những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn”. Bởi lẽ, ngành sản xuất lúa của Thái Lan vốn nổi tiếng với những bí kíp nông nghiệp giúp sản xuất ra những hạt gạo ngon, thơm, dẻo. Những bí kíp này sẽ dần mai một hoặc thất truyền nếu không có lực lượng kế thừa. Đáng buồn hơn, Thái Lan sẽ mất đi những cơ hội cạnh tranh trong khu vực khi nhiều quốc gia đang muốn thay thế vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới của nước này.

Để thúc đầy ngành sản xuất lúa gạo, chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã ban hành nhiều biện pháp thế chấp gạo để người nông dân gắn chặt niềm tin với cây lúa. Theo đó, chính phủ sẽ thu mua lúa từ nông dân với mức giá cao gấp 2 lần mức giá thị trường để tránh hiện tượng đầu cơ hay nông dân chịu thiệt vì bị ép giá. Tuy nhiên, chương trình thế chấp này đã nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ phía chuyên gia. Các nhà kinh tế học e ngại một khoản tiền lớn của người nộp thuế bị tiêu tốn, trong khi nguồn thu của đất nước bị thiệt hại do giảm xuất khẩu. Hơn nữa, tăng dự trữ lên trên mốc 13 triệu tấn sẽ càng đè thêm gánh nặng cho chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn tuyên bố sẽ duy trì chương trình đến năm 2013. Đây cũng là một biện pháp được đông đảo người dân ủng hộ, nhưng để kéo các thanh niên Thái quay trở về ruộng đồng thì chính phủ của bà Yingluck có lẽ phải suy nghĩ đến một kế hoạch dài hơi hơn trong thời gian tới .

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục