Thời cơ và thách thức

Kể từ ngày 1-7, Italia trở thành chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ 6 tháng trong bối cảnh EU đối mặt với nhiều thách thức. Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) trung tả của Thủ tướng Italia Renzi đã chứng minh cho thấy mức độ tín nhiệm của cử tri khi chiếm 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Đây là niềm khích lệ với Thủ tướng Renzi trên cương vị chủ tịch luân phiên EU.

Tuy nhiên, ông Matteo Renzi đã gặp khó khăn ngay từ ngày đầu làm việc khi phải đối mặt với áp lực từ phía các đảng phái ngày càng hoài nghi về EU. Lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao Beppe Grillo tại Italia cùng với lãnh đạo nhiều đảng phái theo đường lối chống EU ở khắp châu Âu cũng đã có cuộc họp đầu tiên tại EP. Ông Grillo, cũng như lãnh đạo đảng UKIP của Anh Nigel Farage, nói với hãng tin Euronews rằng họ “muốn thay đổi thế giới và có một tầm nhìn thú vị, không quan tâm đến quá khứ”. Lực lượng hoài nghi EU muốn thách thức sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker và Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng hàng đầu trong EU.

Nhiệm vụ khó khăn nhất của EU hiện nay là làm sao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh đó là ưu tiên chống thất nghiệp, tạo chính sách công nghiệp mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các vấn đề nhập cư bất hợp pháp đến EU, cửa ngõ là Italia. Roma đang đứng trước thách thức về chính sách nhập cư EU thống nhất để đảm bảo việc bảo vệ biên giới của EU và sự phát triển của một cơ chế thống nhất cho người tị nạn. Italia cũng là nước ủng hộ nhất quán chủ trương mở rộng EU, theo đó sẽ xem xét việc gia nhập EU của Serbia và Albania.

Ngoài ra, trong 6 tháng tới, Italia phải bằng mọi cách đảm bảo không để quan hệ EU với Nga trở nên tồi tệ hơn trong mối tương quan với quan hệ ba bên cùng Ukraine. Italia xác định sẽ thúc đẩy Ukraine vừa hội nhập với EU, nhưng đồng thời phải tái lập quan hệ Nga-EU, xem đây là quá trình song song bổ sung cho nhau, không có xung đột về lợi ích. Một trong những dự án Italia quan tâm để đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu cho EU chính là đẩy nhanh thực hiện các đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” chi phí 40 tỷ USD từ Nga sang Trung Âu, tránh ngả Ukraine.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho biết chính phủ của ông đã có kế hoạch tiếp tục thực hiện việc củng cố và cải cách cơ cấu tài chính EU, tránh đưa khối này vào một cơn khủng hoảng tài chính khác. Ông Renzi cũng muốn gia tăng nguồn vốn hút đầu tư vào EU sau nhiều thập kỷ bị nhiều khu vực khác qua mặt. Italia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đang soạn thảo một kế hoạch chi tiết chính sách phác thảo những ưu tiên về đầu tư và cải cách tài chính trong 5 năm tới.

Việc công là thế. Còn ngay tại quê nhà, tuy nền kinh tế Italia đã có dấu hiệu tăng trưởng 0,1% trong quý đầu của năm 2014 sau cuộc suy thoái trong 2 năm trước đó nhưng thực sự sự phục hồi kinh tế Italia vẫn còn rất mong manh và thất nghiệp quá cao, theo nhận định của IMF. Tóm lại, một nhiệm kỳ chủ tịch EU đầy hứa hẹn nhưng cũng kông kém phần thách thức đang chờ đợi Italia. Đơn giản vì EU đang ở bước ngoặt cần thay đổi, cần một cú hích về kinh tế-tài chính và đảm bảo an ninh năng lượng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục