“Thổi còi” phim rác

Có thể nói, thời điểm này, hậu dịch Covid-19, các trang phim trực tuyến được đà nên vô cùng phát triển. Hàng loạt phim bom tấn xuất hiện trên các trang xem phim online, đặc biệt là Netflix, nơi ai cũng kháo nhau cài app, đăng ký các kiểu để vào xem giải trí. 
“Thổi còi” phim rác

Tuy nhiên có xem mới biết, không phải cứ phim bom tấn, lượt xem cao ngất là xứng đáng để xem. Rất nhiều phim bị phản đối kịch liệt thời gian qua. 

“Gái đẹp thì làm sướng con mắt, nhưng hại tâm hồn và đau túi tiền”, ngay từ đoạn đầu bộ phim 365 Days (tựa tiếng Việt 365 ngày yêu anh) tôi hơi choáng vì lời bình luận khiếm nhã về phụ nữ của người cha nói với con trai khi ở bãi biển. Và sau đó, xuyên suốt thời lượng, phim gây sốc bởi yếu tố tình dục sỗ sàng bạo lực, được ví như 50 sắc thái mới.

Trong phim, nhân vật nữ bị chàng trai giàu có bắt cóc 365 ngày, sau đó phải lòng hắn ta. Ráng coi gần hết phim, quả thực tôi thấy không khác nào một “rác phẩm 18+” tồi tệ. Đây là bộ phim có nhiều điểm vô cùng khó chịu: coi thường phụ nữ ngay phút đầu tiên, xem nhẹ tình cảm gia đình, khi cha chết thì không lo nhưng gái đẹp lại luôn để mắt, cảnh quan hệ thô thiển mọi lúc mọi nơi, miêu tả quấy rối tình dục trần trụi, tần suất dày đặc không khác gì phim khiêu dâm. Ấy vậy mà phim từng vào tốp 3 tác phẩm được xem nhiều trong ngày ở Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan và nhiều nước. Ở Việt Nam, phim hút lượng lớn người xem, chia sẻ gây sốt mạng xã hội dù bị chửi tơi tả…

Việc phim “lãng mạn hóa” việc bắt cóc, hiếp dâm thành thứ gì đó ngọt ngào phi logic khiến không ít khán giả dễ hiểu lầm về sự đồng thuận trong mối quan hệ, cổ súy hành vi cưỡng bức trái pháp luật, gieo rắc vào đầu khán giả tư tưởng lệch lạc về bạo lực… Bộ phim tệ hại đến mức mà Pro Empower - một tổ chức nữ quyền, gửi thư ngỏ dài 3 trang đến Netflix để chỉ trích phim, kêu gọi thêm phần cảnh báo nội dung cho khán giả. 

Không chỉ đăng phim cổ xúy xâm hại tình dục như 365 Days, trên nền tảng phim trực tuyến này còn ngập phim hài nhảm, kinh dị, bắn tỉa sáo rỗng, tiêu cực. Có thể kể đến những phim hài kém duyên The Ridiculous 6, phim hành động trống rỗng The last days of American Crime, Dark, The do-over, Bright, When we first met, The outsider, Father of the year, The open house, The silence… Phim The Ridiculous 6 bị chỉ trích dữ dội vì nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, hài nhảm nhí rỗng tuếch. Trong phim, 6 người đàn ông khờ khạo, dở hơi tạo ra vô số tình huống chẳng ra làm sao từ đầu đến cuối phim. Phim The last days of American Crime lại là những cảnh hành động đánh nhau tơi bời, bắn nhau loạn xạ. Nội dung phim thiếu sự gắn kết, các nhân vật thiếu sức sống, diễn xuất hời hợt, lời thoại sáo rỗng… Còn loạt phim Dark (tựa tiếng Việt là Đêm lặng) dù thu hút lượng người xem đông đảo nhưng trong phần 3 lại quá lạm dụng yếu tố gay cấn, yếu tố hành động, chết chóc. Đặc biệt, phim còn cài cắm ẩn ý về tôn giáo với những chi tiết gượng gạo, vô thưởng vô phạt không đóng vai trò gì trong tổng thể phim. Tất cả trong phần 3 dường như phá vỡ thành công các phần phim trước. 

 Dù từng có những sản phẩm bom tấn độc đáo, ấn tượng nhưng Netflix đang có không ít sản phẩm nội dung tiêu cực, gây thất vọng. Khâu định hướng nội dung có phần dễ dãi đã tạo đất cho hàng loạt bộ phim “rác”, không mang thông điệp gì. Thiết tưởng, cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến nội dung một số phim phản cảm nêu trên.

Tin cùng chuyên mục