Thời kỳ chuyển giao

Từng được mệnh danh là “người ốm yếu” của châu Á, Philippines chứng kiến sự thay đổi chóng mặt dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III. Trong 5 năm qua, kinh tế Philippines đã có những mức tăng trưởng ấn tượng sau thời gian xếp sau các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Philippines đạt mức 5,8% trong năm 2015. Tiềm năng về ổn định chính trị đã thu hút thêm các nhà đầu tư đến Philippines và cả những khoản viện trợ mới. Tuy chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng nhưng những quyết tâm đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu của quan chức Philippines đã giúp nước này tăng vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch quốc tế.

Năm 2016 sẽ đánh dấu sự thay đổi trên chính trường tại Philippines khi bước chuyển giao quyền lực diễn ra trong kỳ bầu cử tháng 5. Theo Diplomat, đây là kỳ bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Philippines. Trong 5 năm qua, ngoài kinh tế, đáng chú ý nhất là chính sách đối ngoại của ông Aquino. Cụ thể, Manila tiến gần hơn với Washington. Hai quốc gia đồng minh ký Hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). Philippines cũng đệ đơn kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn vô lý của Bắc Kinh thông qua một tòa án do LHQ hậu thuẫn. Vụ việc này giúp dần quốc tế hóa các tranh chấp, khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến các vấn đề ở biển Đông. Cả EDCA và vụ kiện Trung Quốc của Philippines là đại diện cho quyết tâm của Manila trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi hàng hải toàn cầu ở biển Đông trước thế bành trướng của Bắc Kinh.

Về kinh tế, trong năm 2016, theo dự báo của ANZ, tăng trưởng của Philippines sẽ khoảng 6,1%. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển kinh tế quốc gia Arsenio Balisacan, mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong nửa đầu năm nay tại Philippines hoàn toàn trong tầm tay. Theo giới kinh tế, do có bầu cử nên chi tiêu tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đi lên, trong khi xuất khẩu được nhìn nhận là sẽ phục hồi và tiếp tục tăng.
 
Theo Diplomat, người kế nhiệm ông Aquino cũng sẽ gặp không ít thách thức. Liên quan đến biến đổi khí hậu, Philippines nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và đang có dấu hiệu cho thấy nước này chưa sẵn sàng ứng phó với những thảm họa thiên nhiên có quy mô lớn như cơn bão Haiyan năm 2013. Về chính trị, vụ kiện biển Đông đang khiến quan hệ Bắc Kinh và Manila gia tăng căng thẳng. Người kế nhiệm ông Aquino sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc thay đổi chính sách cứng rắn hiện tại hay thái độ mềm dẻo với Trung Quốc. Kinh tế Philippines đang bước tới mức ổn định nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém là một lực cản lớn, khiến Manila vẫn bị chậm chân hơn trong việc thu hút đầu tư so với các nước Malaysia, Thái Lan và Singapore. Về giáo dục, các cơ sở giáo dục của Philippines vẫn chưa đào tạo đồng bộ hệ thống nguồn nhân lực có trình độ đồng đều và kỹ thuật cao. Về an ninh, một số các nhóm cực đoan, trong đó có MILF, có xu hướng liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trở thành mối đe dọa lớn cho sự ổn định của quốc gia. Thách thức trong năm 2016 của Philippines vẫn còn rất nhiều, liệu thời kỳ chuyển giao của nước này có diễn ra êm đẹp hay không thì phải đợi đến giữa năm nay mới có câu trả lời.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục