
Khi ngay tại “sân nhà”, hàng thời trang nội địa bị cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc và những nhãn hiệu thời trang cao cấp của thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc đã quay lại thị trường trong nước, nhiều thương hiệu thời trang đã định hình và phát triển. Trong đó, Việt Tiến được xem là thương hiệu thời trang tiêu biểu của Việt Nam (VN) trong xây dựng và phát triển thời trang tại thị trường nội địa.
Trông chờ nguyên phụ liệu tại chỗ
Câu chuyện về hàng may mặc VN mãi lo “tấn công” mà quên “phòng thủ” đã được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Việc quay trở về sân nhà, nơi có thị trường tiêu thụ của trên 86 triệu dân, được xem là mảnh đất màu mỡ để cho các DN trong nước phát triển. Nhưng đây không phải là việc sớm chiều có thể làm được ngay mà cần phải có lộ trình, thời gian.
Trong khoảng 5-10 năm gần đây, trong nước hiện đã có được nhiều thương hiệu thời trang mới có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng như Ninomaxx, PT 2000, Blue Exchange, Viethy, Foci … Tuy nhiên, phần lớn cạnh tranh nhau ở phân khúc cấp trung bình của thời trang dành cho giới trẻ. Hiện nay, phân khúc cấp thấp và cao cấp dường như chúng ta đang “thả nổi” cho hàng giá rẻ Trung Quốc và các thương hiệu thời trang cao cấp của nước ngoài.
Dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng trong những tháng đầu năm, tăng trưởng tiêu thụ của thời trang nội địa vẫn đạt mức cao, khoảng 25% so với năm trước. Đây là yếu tố tích cực để các DN có hướng phát triển tại thị trường nội địa có thêm động lực phát triển.
Tuy nhiên, VN lại đang thiếu nghiêm trọng yếu tố quyết định thời trang nội địa phát triển, đó chính là nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ. Đây không chỉ là vấn đề nhức nhối đối với thời trang nội địa mà còn là vấn đề lớn đối với hàng dệt may xuất khẩu. Vì có sẵn nguyên liệu tại chỗ, bộ phận thiết kế sẽ chủ động, thực hiện nhanh hơn khâu thiết kế mẫu, thay vì thiết kế mẫu trước rồi mới chọn nguyên liệu may.
Ngoài ra, một trong những trở ngại lớn đối với việc phát triển thương hiệu thời trang tại VN chính là gánh nặng mặt bằng! Phương thức kinh doanh hàng thời trang ở VN phần lớn vẫn còn theo nếp truyền thống, nên chi phí thuê mặt bằng là bài toán khó trong tính toán chi phí kinh doanh. DN không đủ tiềm lực khó có thể trụ vững, xây dựng được hình ảnh thương hiệu.
Trong khi đó, phương thức kinh doanh hiện đại trong các hệ thống phân phối bán lẻ ở siêu thị, trung tâm thương mại vẫn chưa áp dụng đại trà, chủ yếu chỉ có ở những thành phố lớn. Những cửa hàng phân phối, bán lẻ rời rạc bên ngoài chắc chắn sẽ không ấn tượng bằng việc có mặt ở những nơi sang trọng, có đông người đến.

Chọn mua áo sơ mi Việt Tiến. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu Việt Tiến
Khác với hướng đi của nhiều DN xuất khẩu hình thành cùng thời, từ năm 1990, ngoài may xuất khẩu, May Việt Tiến đã hướng phát triển thêm tại thị trường nội địa với thương hiệu cốt lõi Việt Tiến chuyên về trang phục áo sơ mi, quần tây, quần kaki dành cho nam giới. Phân khúc thị trường nhắm đến là giới viên chức công sở có mức thu nhập khá. Sản phẩm này đã từng bước khẳng định và tìm được một chỗ đứng vững chắc tại thị trường VN.
Cho đến hôm nay, thương hiệu thời trang Việt Tiến được xem là anh cả trong dòng sản phẩm thời trang công sở tại VN, thể hiện qua quy mô mở rộng và sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm của Việt Tiến đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành với hơn 1.000 cửa hàng, đại lý phân phối.
Tăng trưởng nội địa của Việt Tiến trung bình đạt 30%/năm. Năm 2008, doanh thu nội địa của DN đạt 450 tỷ đồng, dự kiến, trong năm 2009, doanh thu nội địa tăng lên khoảng 600 -700 tỷ đồng. Tiêu thụ tại thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của DN và chiếm khoảng 40% trong tổng doanh thu.
Từ thương hiệu cốt lõi, Việt Tiến đã liên kết, mở rộng phát triển thêm nhiều nhãn hiệu thời trang mới, với sự ra đời của nhãn hiệu Vee Sendy đi vào phân khúc thời trang cho giới trẻ, T-up dòng sản phẩm nữ cao cấp. Đến năm 2008, Việt Tiến tạo bước đột phá mới liên kết, mua bản quyền thương hiệu sản xuất, kinh doanh 2 thương hiệu thời trang cao cấp của Ý là San Sciaro và Mahattan của Mỹ. Đây là những sản phẩm ở phân khúc cấp cao.
Thời trang Việt Tiến đã và đang khẳng định tên tuổi tại thị trường VN với việc không ngừng mở rộng, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm và nhãn hiệu thời trang mới. Dự kiến, cuối năm nay, DN này sẽ ra mắt một dòng sản phẩm thời trang dành cho nam giới ở cấp trung bình.
Năm 2009 đánh dấu quá trình 20 năm xây dựng một thương hiệu thời trang Việt mang tên Việt Tiến. Và đây cũng là cột mốc thời trang Việt Tiến chính thức mở cửa ra nước ngoài. Các dòng sản phẩm thời trang của Việt Tiến sẽ có mặt tại Campuchia và Lào vào cuối năm nay. Hiện DN đã hoàn tất mọi thủ tục với nhà phân phối tại 2 quốc gia này. Đây là bước mở đầu tiên để thương hiệu Việt Tiến bước ra toàn cầu dưới thương hiệu thời trang “Made in Việt Nam”.
Hiện nay, các DN dệt may VN sản xuất quần jean Levi’S, CK cho các nhà thương mại với giá FOB (mua đứt, bán đoạn) chỉ khoảng 10-12 USD/quần. Nhưng giá bán ra thị trường có thể trên 100 – 150 USD/quần, thậm chí cao hơn. Sự chênh lệch không tưởng này chính ở bài toán thương hiệu. Các nhà sản xuất thống kê, giá trị của thương hiệu chiếm đến 70% giá trị sản phẩm bán ra thị trường. Vì vậy, việc mua lại bản quyền để sản xuất, tiêu thụ nội địa cũng là khuynh hướng đi tắt hiện nay của nhiều DN VN. Hàng sản xuất tại VN, tiêu thụ tại VN, với giá hợp với túi tiền của người tiêu dùng VN, được hiểu là hàng Việt. |
MỸ HẠNH