Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6

Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6

°Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh biểu dương nhân dân, các cơ quan chức năng đối phó với bão
°Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tuyệt đối không để dân bị đói, rét, không có nhà ở
°Tổng thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng ° Chi khẩn cấp 50 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo

Ngày 2-10, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có công điện gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị bão số 6 tàn phá; Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng vượt bậc của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền các cấp của các tỉnh, TP khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cùng các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương trong việc phòng, chống bão số 6.

Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6 ảnh 1
Người dân Quảng Bình đưa con đi tránh lũ.

Tổng Bí thư cũng gửi lời thăm hỏi đến các gia đình bị nạn; gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị mất; mong các gia đình vượt lên khó khăn để khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Chiều qua, tại trụ sở Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng đã phát động đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Văn phòng Trung ương Đảng đã đến dự và đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Tổng số tiền quyên góp hơn 20 triệu đồng.

Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, có sông lớn, chủ động phòng chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần huy động lực lượng sớm khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các gia đình bị nạn, tuyệt đối không để dân bị đói, rét, không có nhà ở.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 1289/QĐ-TTg xuất cấp 1.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân vùng bị bão số 6.

Văn phòng Chính phủ đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 6. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã tham gia. Cùng ngày, tại Văn phòng Quốc hội, các cán bộ nhân viên của Văn phòng Quốc hội cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung.

Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6 ảnh 2

Công nhân Điện lực Quảng Nam sửa chữa lưới điện trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc ngày 2-10.

UBMTTQ Việt Nam đã có điện thăm hỏi các tỉnh, TP miền Trung và Tây Nguyên bị thiệt hại do bão số 6 và phát động kêu gọi toàn thể nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 6.

Ngay tại buổi lễ, nhiều đơn vị đã tham gia ủng hộ như Công ty cổ phần Kinh đô góp 100 triệu đồng, Công đoàn Du lịch-Thương mại (Bộ Thương mại) góp 150 triệu đồng.

Nhân dịp này, UBMTTQ Việt Nam giúp đỡ mỗi gia đình có người thân bị chết 2 triệu đồng/người và gia đình có người bị thương 1 triệu đồng/người.

Ngày 2-10, Bộ Y tế cho biết đã cấp cho mỗi tỉnh 30 cơ số thuốc và 100.000 viên CloraminB, 100 áo phao cứu sinh.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ủng hộ khẩn cấp 80 triệu đồng và 600 thùng hàng... UBND TP Hà Nội cũng tạm ứng 2 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do bão số 6 và mở đợt quyên góp ủng hộ đồng bào. UBMTTQ TPHCM phát động đợt vận động cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Ngay tại lễ phát động, hơn 30 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký ủng hộ 3,816 tỷ đồng.

Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6 ảnh 3

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Huỳnh Văn Minh (phải) trao tiền cứu trợ đồng bào cho đại diện Báo SGGP. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 2-10, Báo SGGP đã trích 50 triệu đồng từ Quỹ Xã hội-Từ thiện do bạn đọc đóng góp chuyển tới VPĐD của báo tại Đà Nẵng để cứu trợ khẩn cấp cho những gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão. nhiều bạn đọc đã tới tòa soạn Báo SGGP đóng góp ủng hộ nạn nhân bão số 6 (trong đó, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã chuyển ngay 100 triệu đồng (đợt đầu) ủng hộ).

Công đoàn cơ sở Báo SGGP cũng đã vận động toàn thể CB-CNV của báo đóng góp mỗi người 1 ngày lương giúp đồng bào miền Trung.

Chiều 2-10, đại diện Báo SGGP tại miền Trung đã tới Bệnh viện Đà Nẵng thăm, tặng quà 10 nạn nhân bị thương nặng và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 5 triệu đồng (500.000 đồng/người).

Công ty liên doanh LaVie đã đưa 2.000 thùng nước khoáng, hơn 100.000 lít (tổng trị giá hơn 140 triệu đồng) hỗ trợ Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Ca sĩ Ánh Tuyết sẽ tổ chức hai đêm nhạc vào tối 7 và 8-10-2006 tại phòng trà ATB (số 234 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM). Toàn bộ số tiền thu được trong chương trình này sẽ được ca sĩ Ánh Tuyết trực tiếp trao tận tay các nạn nhân một cách sớm nhất.

Cùng ngày, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Jonathan M. Aloisi cũng gửi lời chia buồn và hỏi thăm đến các nạn nhân bão số 6 ở các tỉnh miền Trung.

*** *** ***

Ngày 2-10, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương tại Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành cùng 4 địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong bão số 6 là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng nhằm triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả, đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai công tác phòng bão số 6.

Trưởng ban PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ, cho biết: Tính đến trưa 2-10, bão số 6 đã làm chết 11 người (TP Đà Nẵng: 9, Quảng Nam: 1 và Quảng Trị: 1); làm bị thương 211 người (Quảng Trị: 8, Thừa Thiên-Huế: 43, Đà Nẵng: 61, Quảng Nam: 94, Quảng Ngãi: 5).

Bão số 6 cũng đã làm sập, trôi 5.591 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 211.117 ngôi nhà; 19.110 nhà bị ngập và 2.074 trường học, cơ quan bị hư hỏng; 427 tàu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu; hàng chục ngàn ha ao hồ tôm cá, hoa màu, lúa bị cuốn trôi và ngập úng... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó, Đà Nẵng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất (ước khoảng 3.223 tỷ đồng).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới cách phía Đông Philippines khoảng 1.000km có gió mạnh cấp 6 – 7, giật trên trên cấp 7. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này không có khả năng đi vào biển Đông cho tới ngày 5-10.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì số người thiệt mạng được hạn chế đến mức thấp nhất chủ yếu là nhờ công tác di dời dân được thực hiện nghiêm túc và kiên quyết.

Nước ta còn nghèo, công tác cứu hộ, cứu nạn còn nhiều hạn chế, nếu không chủ động phòng trước thì không thể nào chống được, hậu quả sẽ khó lường. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã quyết định chi khẩn cấp 50 tỷ đồng cho 6 tỉnh, thành triển khai khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Theo đó, Đà Nẵng nhận 20 tỷ đồng, Quảng Nam: 10 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế: 10 tỷ đồng, Quảng Ngãi: 5 tỷ đồng, Kon Tum: 2 tỷ đồng và Quảng Trị: 3 tỷ đồng.

Đến sáng 2-10, các chuyến bay đã hoạt động bình thường.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Điện lực 3 Phùng Quang Thanh cho biết: đến sáng 2-10, đường dây 500kV Bắc-Nam đã được đóng điện trở lại. Tuy nhiên, do hệ thống dây, trụ điện ở các tỉnh miền Trung mà đặc biệt là Đà Nẵng quá lớn nên việc khắc phục và đóng điện trở lại gặp nhiều khó khăn. Điện lực Đà Nẵng cố gắng đến 3-10 cung cấp điện cho toàn TP.

Cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão số 6 ảnh 4

Đại diện báo SGGP thăm và tặng tiền hỗ trợ bệnh nhân Đặng Quốc Việt (bị nhà sập làm chấn thương sọ não, phù não, đang hôn mê tại Khoa Hồi sức cấp cứu BV Đà Nẵng). Ảnh: T.B. - D.M.P. - N.K.

Chiều qua, 28 trạm thu phát sóng VinaPhone đã hoạt động trở lại. Trong khi đó, thông tin từ VNPT cho biết, hoạt động của điện thoại cố định, Internet, điện thoại di động về cơ bản đều trở lại bình thường. Đến chiều 2-10, toàn bộ những trạm phát thu sóng của Viettel tại 4 tỉnh này đã hoạt động bình thường. EVN Telecom cũng đã phục hồi việc cung cấp các dịch vụ viễn thông bình thường.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng cho biết, đến 13 giờ 30 ngày 2-10, tất cả các chuyến tàu tạm ngưng, tạm hoãn đã tiếp tục hành trình.

Trưởng ga Sài Gòn Trương Quang Mông cho biết, tại ga Sài Gòn trong ngày 2-10, hầu hết chuyến tàu đều xuất phát đúng lịch trình. Chiều cùng ngày, gần 30 cán bộ, công nhân viên Công ty Công viên-Cây xanh TPHCM cùng với 2 xe thang hiện đại và các phương tiện chuyên dụng đã lên đường khắc phục các sự cố gãy đổ cây xanh trên địa bàn Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Đà Nẵng: Bệnh viện quá tải, tôn - đinh “sốt” giá

Đến 15 giờ chiều 2-10, BV Đa khoa Đà Nẵng đã nhận 373 bệnh nhân gặp nạn trong bão số 6. Phó giám đốc Bệnh viện Hồ Hiền Lương cho biết: từ ngày 1-10, toàn bộ y, bác sĩ đã được huy động để tiếp nhận, băng bó và điều trị cho những nạn nhân bão số 6 trong điều kiện bệnh viện bị mất điện, nước hoàn toàn. Hiện bệnh viện điều trị miễn phí cho các bệnh nhân. Đến chiều 2-10, tôn, đinh là mặt hàng “sốt” nhất. 1m2 tôn màu được “đẩy” từ 42.000 đồng lên 72.000 đồng. Giá đinh mũ đóng tôn cũng được đưa lên với mức giá gấp 6 lần giá ngày thường: 42.000 đồng/kg.

Quảng Ngãi: Cứu trợ nhân dân huyện đảo Lý Sơn

Chiều 2-10, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi đã ra huyện đảo Lý Sơn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 6 và trao tiền, quà cứu trợ. Huyện đảo Lý Sơn có trên 800 ngôi nhà bị tốc mái.

Quảng Nam: 61.280 dân sơ tán về nhà chống lụt

Hơn 1.600 tỷ đồng thiệt hại với 1 người chết, 94 người bị thương, 3.760 nhà dân, 125 trụ sở (trường học, y tế…) bị đổ sụp hoàn toàn, 144.000 ngôi nhà bị tốc mái, 6.400 tấn thóc, gạo, 250 tàu bị hỏng, đánh chìm... là thiệt hại sơ bộ của Quảng Nam. Vấn đề đáng lo ngại nhất là 61.280 dân sơ tán an toàn trong bão lại phải tiếp tục chống lụt khi mực nước trên các sông Thu Bồn, Vu Gia... đang ở mức báo động 2 và 3. Tại thị xã Hội An, 16 nhà cổ bị tốc mái đang được khẩn trương lợp lại. 67 tàu thuyền bị chìm đã được trục vớt.

Lũ các sông Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị lên nhanh

Mưa lớn đã gây lũ lụt lớn tại Quảng Bình. Hơn 15.000 hộ dân ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch bị ngập nặng (0,5-1,5m). Lũ lụt đã làm chết một cháu bé tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch. Hiện tại giao thông đi lại các xã đồng bào Vân Kiều ở Quảng Ninh, Lệ Thủy đã bị cắt đứt. Lũ đã phong tỏa tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Quốc lộ 12A đi Lào bị cắt đứt do ngầm Bãi Dinh bị trôi và núi sạt lở nặng. Trong lúc đó tại Hà Tĩnh, huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang mưa lớn đã làm một nửa quả núi tại km85 sạt lở xuống đường làm giao thông qua Lào ở cửa khẩu Cầu Treo bị đình trệ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, trong 2 ngày qua, ở khu vực Bắc Quảng Bình và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Do mưa lớn, lũ sông Gianh và các sông ở Hà Tĩnh đang lên nhanh.

Ngày 2-10, mưa chỉ rải rác vài nơi, gió nhẹ nhưng mực nước trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Vĩnh Định… tiếp tục dâng cao; trong đó mực nước trên sông Thạch Hãn đã ở mức báo động 3. Trong đó, 13 xã thấp trũng của huyện Hải Lăng vẫn bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1,5m. Tính đến cuối ngày 2-10, đã có 426 ngôi nhà bị bão, lũ làm sập đổ, xiêu vẹo và tốc mái hoàn toàn.

Đến trưa 2-10, trên tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 5 điểm sạt lở. Trong khi đó, tuyến đường Tây Trường Sơn đang có trên 40 điểm sạt lở. Đáng lo nhất hiện nay là việc sạt lở trên tuyến QL9 (Quảng Trị), QL49B (Thừa Thiên-Huế) chưa thể khắc phục vì bị ngập sâu.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Tin cùng chuyên mục