Cuối cùng, sau 19 lần hoãn, Quốc hội Lebanon ngày 25-5 cũng bầu được tổng thống cho nước mình sau 6 tháng để trống vị trí này. Vị tổng thống này không ai khác ngoài ứng cử viên duy nhất từ hồi tháng 12-2007- Tổng tư lệnh quân đội Lebanon từ năm 1998 Michel Suleiman.
Ông Suleiman năm nay 59 tuổi, được đánh giá là người biết cách dẫn dắt quân đội qua nhiều biến cố của đất nước. Quan trọng, ông là người duy nhất mà các phe phái ở Lebanon đều chấp nhận. Một khi trở thành tổng thống, thách thức chính của ông Suleiman sẽ là hòa giải đại đa số trong quốc hội với phe đối lập; giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ vốn đe dọa sự liên kết ở Lebanon, bắt đầu bằng việc giải giáp Hezbollah. Sau đó, ông phải từ bỏ chức tổng tư lệnh quân đội, chỉ định thủ tướng mới.
Trước đó, bầu không khí căng thẳng ở Lebanon đã nhẹ bớt khi phe ủng hộ Chính phủ Lebanon với phe đối lập ký thỏa thuận tại cuộc đàm phán do Liên đoàn Arab (AL) làm trung gian tại Doha (Qatar) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 18 tháng qua tại nước này.
Thỏa thuận Doha đã đưa Lebanon thoát khỏi khủng hoảng chính trị trầm trọng, dẫn tới những cuộc giao chiến diễn ra khắp nơi làm 67 người thiệt mạng. Tình trạng vài tuần qua nguy hiểm đến mức người ta không khỏi liên tưởng đến Lebanon trong những năm tháng của cuộc nội chiến lần thứ nhất, kéo dài từ 1975 đến 1990.
Thực chất, cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon không đơn thuần xuất phát từ những mâu thuẫn giữa người Lebanon với nhau, mà chính là cuộc đấu giữa các thế lực đang muốn tranh giành ảnh hưởng tại đất nước Lebanon nhỏ bé này. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ quá trình xung đột, có thể nhận thấy các nhà lãnh đạo Lebanon còn thiếu thiện chí, không có những hành động chính trị vì tiến trình hòa bình nhằm tập hợp các bên khác nhau trong xã hội để thực hiện lợi ích dân tộc.
Mặc dù rõ ràng có sự can dự từ bên ngoài (Mỹ, Iran, Syria và cả Saudi Arabia) nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho lực lượng này hay lực lượng kia. Người ta càng không thể khẳng định rằng việc bùng nổ tình trạng bạo lực ở Lebanon là một kế hoạch của Syria hay của Iran, thậm chí cũng không thể khẳng định rằng chính phong trào Hezbollah đã gây ra việc bùng nổ các cuộc đụng độ giữa phe đa số và phe đối lập.
Cuộc khủng hoảng vừa qua Lebanon quá sâu sắc. Nó đòi hỏi một giải pháp dựa trên quyền lợi dân tộc và không phụ thuộc vào bên ngoài. Lebanon đang bước sang trang sử mới khi có Thỏa thuận Doha rồi đến việc bầu tướng Suleiman làm tổng thống. Người dân Beirut còn hồ hởi cho rằng “Lebanon giống như Phượng hoàng, sống dậy từ đống tro tàn”.
Tuy nhiên, không ai chắc bầu không khí hoan hỉ hiện nay có bền vững. Tân Tổng thống Suleiman đã ý thức rõ ràng tầm quan trọng của việc cả dân tộc cùng hợp sức khi tuyên bố “mình tôi không thể cứu cả đất nước. Đây là nghĩa vụ của toàn thể mọi người, là trách nhiệm của toàn thể người Lebanon, là của công dân trước khi thành chính khách”.
LÊ VÂN