Thu hồi quyết định gây tranh cãi

Chính phủ Ấn Độ vừa thông báo rút lại quyết định áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu máy tính xách tay gây nhiều tranh cãi. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ Sunil Barthwal, chính phủ chỉ yêu cầu các nhà nhập khẩu máy tính xách tay phải theo dõi chặt chẽ quá trình nhập khẩu.
Ấn Độ tăng sản xuất trong nước ở lĩnh vực công nghiệp điện tử. Ảnh: livemint.com
Ấn Độ tăng sản xuất trong nước ở lĩnh vực công nghiệp điện tử. Ảnh: livemint.com

Trước đó, ngày 3-8, Chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy tính có kích thước siêu nhỏ. Đây là một nỗ lực nhằm củng cố chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của trong nước đối với phần cứng công nghệ thông tin.

Kế hoạch cũng là một phần trong tham vọng của Ấn Độ trở thành một cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu sản xuất hàng năm đạt giá trị 300 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải nhiều chỉ trích. Dư luận cũng cho rằng lệnh hạn chế đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nơi xuất xứ của 75% hàng nhập khẩu công nghệ của Ấn Độ với trị giá 5,33 tỷ USD trong năm 2022 - 2023.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, những nỗ lực của New Delhi nhằm tạo động lực cho các thiết bị điện tử sản xuất trong nước giúp giảm 5% tỷ lệ hàng điện tử và công nghệ thông tin nhập khẩu (từ 69% trong năm 2019-2020 xuống còn 64% vào năm 2021- 2022). Mặc dù vậy, giá trị của hàng điện tử và linh kiện nhập khẩu đã tăng trong 3 năm trở lại đây, lên tới 69 tỷ USD trong năm tài chính 2021 - 2022.

Thời gian qua, Ấn Độ đã và đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước bằng cách tung ra hàng loạt ưu đãi ở hơn 20 lĩnh vực, trong đó có hàng điện tử. New Delhi còn gia hạn thời gian đăng ký tham gia chương trình khuyến khích sản xuất trị giá 2 tỷ USD để thu hút đầu tư lớn vào sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, chẳng hạn như máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy chủ. Việc Ấn Độ thúc đẩy sản xuất trong nước diễn ra vào thời điểm quan trọng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ đạt một tỷ người trong thập niên tới. Lực lượng lao động trẻ và đông đảo khiến quốc gia này trở thành điểm đến của nhiều công ty toàn cầu đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới.

Tin cùng chuyên mục