Trong khi người bệnh trong nước có xu hướng xuất ngoại để chữa bệnh như một trào lưu thời thượng thì vẫn có một lượng bệnh nhân không nhỏ từ các nước bạn vẫn âm thầm sang nước ta điều trị. Ghi nhận tại các cơ sở y tế tại TPHCM đã cho thấy điều đó và đang là cơ hội cũng như thách thức cho ngành y tế nước nhà.
Nước ngoài thất bại, trong nước thành công
Tuy không phải ngày đầu tuần nhưng Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM cũng đông bệnh nhân, tràn ra cả lối đi ở sân. “Ngày nào cũng vậy anh ạ, chứ kể gì đầu tuần, cuối tuần!”, một nhân viên tại bàn hướng dẫn nói. Quan sát từng dãy bệnh nhân ngồi đợi lượt khám từ khu nhà A sang khu nhà B, chúng tôi ghi nhận không chỉ bệnh nhân ở thành phố, ngoại tỉnh mà cả bệnh nhân người nước ngoài cũng có.
Chị Sohphineka, người Campuchia, đang đợi ở khoa khám nội tiêu hóa là một ví dụ. Chị Sohphineka cho biết bị bệnh đại tràng từ nhiều năm qua nhưng điều trị ở quê nhà không khỏi nên tìm đến BV Đại học Y Dược TPHCM qua lời giới thiệu của nhiều bệnh nhân cùng quê…
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, năm 2013, BV đã điều trị ngoại trú cho hơn 17.000 lượt và điều trị nội trú gần 1.000 lượt bệnh nhân nước ngoài, trong đó chủ yếu đến từ Campuchia…
Có những trường hợp người nước ngoài bị bệnh hiểm nghèo như bệnh nhân Hư Ph. (60 tuổi, công chức Campuchia) nhập viện tại địa phương Phnom Penh vì liệt nửa người, được chẩn đoán tai biến mạch máu não. Sau đó bệnh diễn tiến nặng dần và người bệnh lơ mơ, mất ý thức. Người bệnh được chuyển đến BV Đại học Y Dược TPHCM đặt stent tái thông lại động mạch cảnh. Sau 3 tháng điều trị ông đã đi đứng được và trở lại công việc bình thường.
Hay như trường hợp bệnh nhân Hồ Thị M. (61 tuổi, ở Gia Lai) bị phình khổng lồ mạch máu não, được tư vấn điều trị ở Mỹ với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó được BV Đại học Y Dược tư vấn nên đã điều trị tại đây thành công với chi phí chỉ bằng 1/4…
Tại BV Nhân dân 115 - TPHCM, mỗi năm cũng khám, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân nước ngoài. Theo TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV, có cả những trường hợp đã điều trị ở các nước có kỹ thuật y tế tiên tiến nhưng không thành công, song BV Nhân dân 115 điều trị thành công.
Dẫn chứng điều này, TS Phú cho biết đó là trường hợp một bệnh nhân ở Campuchia bị khối u nặng 12,5kg ở chân đã qua Thái Lan, Singapore chữa trị nhưng không hết bệnh, sau đó qua BV Nhân dân 115 được điều trị hết bệnh.
Về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), Việt Nam cũng là địa chỉ tin cậy, thu hút lượng bệnh nhân nước ngoài. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết, người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn ngày càng tăng. “Mỗi năm có khoảng 300 bệnh nhân các nước tìm đến Việt Nam làm thủ thuật TTTON và Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về phương pháp nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm”, GS Phượng cho biết.
Phải “hút” bệnh bằng y thuật, dịch vụ
Theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều kỹ thuật y khoa ở Việt Nam đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi… Thậm chí đã giảng dạy, đào tạo các kỹ thuật y khoa cho các bác sĩ nước ngoài.
Đơn cử như kỹ thuật TTTON, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng khẳng định Việt Nam là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới, đã tập huấn kỹ thuật TTTON cho hàng chục đoàn bác sĩ các nước, trở thành 1 trong 4 trung tâm đào tạo về hỗ trợ sinh sản lớn của châu Á. Nhiều kỹ thuật y khoa khác cũng được các cơ sở y tế Việt Nam thực hiện vượt trội hơn các nước, đào tạo chuyển giao cho các nước. Trong đó phải kể đến kỹ thuật phẫu thuật nội soi đang là xu hướng của thế giới.
Chẳng hạn BV Nguyễn Tri Phương TPHCM là một trong 3 cơ sở đủ khả năng tại Đông Nam Á đào tạo kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp. Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận nhiều bác sĩ nước ngoài sang học kỹ thuật nội soi về ngoại niệu. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo các kỹ thuật nội soi cho bác sĩ nước ngoài. Nhiều năm qua, nơi đây đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm bác sĩ đến từ Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nhật…
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, từ năm 2007 - 2013, Trung tâm Huấn luyện phẫu thuật nội soi của bệnh viện đã đón nhận 850 bác sĩ đến nghiên cứu về phẫu thuật nội soi ổ bụng, mũi xoang, mũi xoang nâng cao, khớp, tiết niệu, lồng ngực. Hay như BV Chợ Rẫy, từ vài năm nay, đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cho hàng trăm bác sĩ đến từ các nước có nền y học khá phát triển như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Pakistan và Úc…
Theo Bộ Y tế, trong khi hơn 40.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài khám - chữa bệnh mỗi năm thì tại một số bệnh viện của Việt Nam lại đang hút mạnh bệnh nhân ngoại. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đang ở các nước có nền y tế tiên tiến cũng đã chọn Việt Nam làm nơi điều trị cho mình. Tuy nhiên, bên cạnh kỹ thuật, để tạo lòng tin và thu hút người bệnh cả trong nước lẫn nước ngoài, các chuyên gia y tế cho rằng các cơ sở y tế cần nâng cấp cả về dịch vụ trong khả năng có thể của mình.
Đơn cử như BV Đại học Y Dược TPHCM đã có những dịch vụ cho bệnh nhân nước ngoài như ưu tiên khám chữa bệnh, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và mua thuốc; được trực tiếp hướng dẫn khám chữa bệnh; phiên dịch miễn phí; giới thiệu khách sạn, vận chuyển, giặt ủi; phòng bệnh tiện nghi… Trong đợt thăm và làm việc với các cơ sở y tế mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng nhìn nhận các kỹ thuật y khoa của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng không thua kém các nước.
Nhưng nghịch lý là vì sao chưa tạo được lòng tin của người bệnh trong nước và thu hút nhiều hơn người bệnh nước ngoài? Các chuyên gia y tế cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp, dịch vụ là một vấn đề nổi cộm của y tế Việt Nam, ngay cả chủ trương chính sách cũng còn nhiều bất cập! Tình trạng quá tải, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, cơ sở vật chất xuống cấp, trình độ bác sĩ chưa đồng đều… khiến người bệnh có tiền chưa an tâm giao phó tính mạng.
Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị và tiêu tốn hết gần 2 tỷ USD. Các nước thu hút nhiều bệnh nhân Việt Nam phải kể đến là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ… với chi phí khám chữa bệnh cao gấp nhiều lần tại Việt Nam. |
TƯỜNG LÂM