Theo kế hoạch, TPHCM sẽ xây dựng cơ chế phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực y tế; xây dựng các mô hình đào tạo mới và nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế. Trong đó, đào tạo định hướng chuyên khoa sau đại học, thời gian học 10 tháng và đào tạo chuyên khoa cấp I, thời gian học 2 năm, cho bác sĩ mới tốt nghiệp ra trường được phân công về công tác tuyến y tế cơ sở.
Ngoài ra, TPHCM cũng đào tạo các chuyên ngành như: nội, ngoại, nhi, nhiễm, chỉnh hình, sản phụ khoa, pháp y, da liễu, mắt, tai mũi họng, gây mê hồi sức, bác sĩ gia đình, giải phẫu bệnh, phục hồi chức năng, ung thư… TPHCM cũng tập trung đào tạo đạt chuẩn trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược sĩ trung cấp theo quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Năm 2019, TPHCM tiếp tục cử cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc ngành y tế tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về lãnh đạo quản lý bệnh viện; quản lý chăm sóc tại Australia, Nhật, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng xây dựng quy định về tuyển dụng, phân công sinh viên tốt nghiệp đại học y khoa hệ chính quy và cán bộ y tế đến nhận công tác tại các cơ sở y tế công lập; thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế có trình độ cao đến công tác tại các địa bàn xa trung tâm TP (các huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh), các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt: Bệnh viện Nhân Ái, Khu điều trị phong Bến Sắn, các lĩnh vực khó tuyển dụng (pháp y, lao, tâm thần) và đơn vị y tế cơ sở phường - xã - thị trấn để bổ sung đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho các cơ sở y tế trọng điểm của TP và tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.