Thu nhập chung - riêng, bệnh tật: Khó xác định!

Doanh nghiệp đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), người được chia lãi đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như thế nào? Tiền trợ cấp thai sản có phải đóng thuế? Bệnh gì được miễn, giảm thuế và người nuôi bệnh có được tính giảm trừ gia cảnh không…? Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TPHCM) trả lời các thắc mắc này của bạn đọc.

Có giảm trừ thuế khi bị bệnh, người nuôi bệnh?

* Những khoản thu nhập như trợ cấp thai sản và trợ cấp một lần khi sinh; trợ cấp ốm đau, tang gia, con ốm, khám thai, hư thai… có chịu thuế TNCN không? (Lan Anh, quận Phú Nhuận, TPHCM)

* Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp mang tính chất tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế TNCN. Riêng thu nhập từ tiền lương, tiền công làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền công, tiền lương làm việc trong giờ được miễn thuế TNCN.

Đối với khoản trợ cấp một lần khi sinh con, tiền lương 4 tháng thai sản chi từ quỹ BHXH và các khoản trợ cấp khác phải do BHXH chi trả mới không phải tính thuế TNCN. Các khoản trợ cấp khác do công ty chi trả là thu nhập chịu thuế TNCN.

* Tôi có một con nhỏ 5 tuổi, ba tôi ở cùng gia đình tôi và bị mắc bệnh đã nhiều năm, vợ tôi ở nhà để chăm sóc ba tôi. Vậy tôi được tính giảm trừ gia cảnh như thế nào? Hồ sơ chứng minh gồm những gì? (Thanh Bình, Đồng Nai)

* Ba của anh ngoài độ tuổi lao động không có thu nhập hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật không có khả năng lao động (có xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên về mức độ tàn tật) và con của anh 5 tuổi là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh. Vợ của anh nếu còn trong độ tuổi lao động thì không được tính giảm trừ gia cảnh.

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với ba của anh là khai sinh của anh hoặc hộ khẩu và giấy xác nhận của cơ quan y tế. Hồ sơ chứng minh con của anh là khai sinh của con hoặc hộ khẩu.

* Tôi bị bệnh khớp mãn tính, tiền thuốc men rất tốn kém. Vì phải đi làm, không có thời gian vào bệnh viện nên tôi phải chữa trị ở phòng mạch bác sĩ tư, mỗi tháng tốn 3 triệu đồng. Tôi có được khấu trừ khoản này khi đóng thuế thu nhập? (Anh Thọ, quận 4, TPHCM)

* Chi phí chữa bệnh của anh không được trừ khi tính thuế TNCN.

Xong thuế TNDN, phải đóng thuế TNCN?

* Công ty TNHH A có 3 thành viên góp vốn. Công ty A mở thêm Công ty TNHH một thành viên B. Năm 2008, công ty A tự kinh doanh và bị lỗ 70 triệu đồng. Công ty B tự kinh doanh và lời 100 triệu đồng (đã trừ thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN).

Vậy công ty B chuyển lãi về công ty A thì công ty B phải đóng những loại thuế nào? Khi công ty A quyết toán cuối năm thì khoản tiền lãi nhận được từ công ty B có phải đóng thuế TNDN cho các cổ đông hay không? Các cổ đông có phải đóng thuế TNCN trên phần được chia từ lãi của công ty B chuyển về công ty A không? Và nếu có thì tỷ lệ như thế nào? (Mai Nguyen – maingp@gmail.com)

* Căn cứ quy định tại Thông tư 134/2007/TT-BTC ngày 23-11-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN: Công ty B là đơn vị độc lập, kết quả kinh doanh có thu nhập chịu thuế, sau khi nộp thuế TNDN theo quy định thì khoản thu nhập được chia chuyển về công ty A không phải nộp thuế TNDN và TNCN. Cổ đông là cá nhân được chia lợi tức (cổ tức) sau thuế TNDN là thu nhập đầu tư vốn phải chịu thuế TNCN với thuế suất toàn phần 5%.

* Tôi có 1 nhân viên trong năm 2008 đã làm việc tại TPHCM 8 tháng và bị chuyển về Long An làm việc 4 tháng. Vậy việc tính và hoàn thuế thu nhập cao như thế nào? Tính chung 12 tháng hay tính riêng ở TPHCM 8 tháng và ở Long An 4 tháng? (Thành Nam - quận 5 TPHCM)

* Theo Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13-8-2004 (có hiệu lực đến 31-12-2008) thì cuối năm bạn phải tổng hợp thu nhập cả năm (8 tháng ở TPHCM và 4 tháng ở Long An) để khai quyết toán cho cơ quan thuế địa phương tại nơi bạn đang làm việc là ở Long An.

* Tôi làm thuê ở nhiều nơi. Thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày khi có việc. Tôi phải nuôi con 6 tuổi. Nơi thuê tôi yêu cầu tôi có mã số thuế TNCN, để sau này khi trả công cho tôi thì khấu trừ 10%, nếu không thì trừ 20%. Việc trừ thuế như vậy có đúng không? (Hồng Minh, Bình Dương)

* Trường hợp ông không ký hợp đồng lao động nhưng có thu nhập từ tiền công mỗi lần từ 500.000 đồng trở lên thì cơ quan chi trả sẽ tạm khấu trừ 10% (nếu đã có mã số thuế) hoặc 20% (nếu chưa có mã số thuế). Cuối năm ông tổng hợp thu nhập trong năm để quyết toán thuế TNCN. Con của ông 6 tuổi là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế TNCN. Nếu tổng thu nhập trong năm của ông chưa đủ để giảm trừ gia cảnh cho bản thân ông và con của ông thì ông sẽ được hoàn thuế khoản tiền đã tạm nộp.

* Tôi đang làm việc hưởng lương ở 3 nơi, cụ thể như sau: công ty ở quận 1, mức lương 8 triệu đồng (có ký hợp đồng lao động); công ty ở quận 2 mức lương 4 triệu đồng và công ty ở quận Thủ Đức mức lương 2,5 triệu đồng. Tôi sẽ đăng ký cấp mã số thuế ở đâu và kê khai, nộp thuế như thế nào? (Nguyễn Văn Tuấn, Thủ Đức, TPHCM)

* Trường hợp bạn có thu nhập từ nhiều nơi thì bạn phải xác định nơi bạn làm việc có ký hợp đồng lao động, làm việc lâu dài, ổn định (tức công ty ở quận 1) để thực hiện kê khai giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. Và tại đây bạn sẽ được căn cứ tiền công thực tế trả trong tháng, kê khai giảm trừ gia cảnh để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Hai công ty còn lại, bạn cung cấp mã số thuế để khi chi trả thu nhập, công ty thực hiện khấu trừ 10%. Cuối năm bạn phải tổng hợp thu nhập từ 3 nơi để thực hiện quyết toán với cơ quan thuế. 

CHẾ HÂN – Q.VIỆT

Tin cùng chuyên mục