Bài 1: Oằn lưng đóng thuế
Các chính sách hỗ trợ bậc học mầm non đang được Chính phủ, Bộ GD-ĐT liên tục triển khai trong thời gian gần đây, cho thấy sự quan tâm của ngành với bậc học này. Tuy nhiên, với chính sách thuế mà quận 12 đang triển khai với các trường mầm non ngoài công lập lại là một việc làm hết sức khó hiểu. Nó không chỉ khiến các trường than trời mà còn gián tiếp kìm hãm công tác phổ cập giáo dục mầm non của địa phương.
Làm khó các trường
Theo phản ánh của các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận 12, mức thuế mà Chi cục Thuế quận 12 đang triển khai thu hiện nay (25%) chẳng khác gì mức thuế đã từng gây nhiều bức xúc cho các trường như hồi năm 2008. Cụ thể, theo Chi cục Thuế quận 12, bài toán thuế được tính: tổng thu nhân 28% ra tỷ lệ thu nhập chịu thuế, trừ cho thu nhập bản thân và miễn trừ gia cảnh, sẽ ra tỷ lệ thu nhập cá nhân chịu thuế nhân lũy tiến theo khung, sẽ ra số tiền thuế phải đóng. Ví dụ, một cơ sở giáo dục nuôi giữ 350 cháu, với mức thu 750.000 đồng/cháu thì cách thu là: tổng thu 262.500.000 x 28% (tỷ lệ thu nhập chịu thuế) = 73.500.000. Lấy 73.500.000 – thu nhập cá nhân và miễn trừ gia cảnh (chủ trường và 2 con = 7.200.000) sẽ ra số tiền chịu thuế thu nhập cá nhân là 66.300.000 x 32% (lũy tiến theo khung) = 21.216.000 đồng. Với 350 trẻ, số tiền thuế phải đóng hàng tháng lên tới 21.216.000 đồng, thật sự là một con số quá khủng khiếp với các trường.
Sự bức xúc của các trường ngoài việc phải đóng thuế quá cao, còn vì chính sách không cho hoàn thuế bằng các hóa đơn, chứng từ chi hợp lệ như trước. Bởi hình thức thu thuế 28% trước kia đã bị thay thế bằng cách gói gọn một cục 28% trên tổng thu. Mà hình thức thu kiểu gói gọn trên, theo nhiều trường đã và đang gián tiếp thu thuế trên tiền ăn của trẻ.
Vì sự phi lý trên mà mới đây, bà Nguyễn Kim Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 12, đã có báo cáo nhanh gửi Phòng Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM ngày 8-12-2010 kiến nghị Cục Thuế TPHCM xem xét lại chính sách thuế cho các cơ sở ngoài công lập. “Tiền ăn của trẻ phải được dành trọn cho các cháu, để đảm bảo sức khỏe, không được phép sử dụng vào mục đích khác” - bà Phượng kiến nghị.
Bức xúc trước sự phi lý của chính sách thuế trên, không ít hiệu trưởng các trường mầm non ngoài công lập tại quận 12 đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm với chúng tôi khi cho rằng: Cách thu thuế như kiểu Chi cục Thuế quận 12 đang làm chẳng khác nào việc đưa ra cái thòng lọng để “siết cổ” các trường. Mà trong thực tế, không ít trường đã phải đóng cửa vì không thể kham nổi mức thuế trên.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ nhóm trẻ gia đình Tuổi Ngọc 2, quận 12 vừa phải đóng cửa 3 tháng trước, nói: “Cơ sở của tôi chỉ nuôi giữ 40 cháu, vậy mà hàng tháng phải đóng 1.360.000 đồng tiền thuế trong khi chúng tôi chỉ thu 600.000 đồng/cháu/tháng cho tất cả các khoản học phí, ăn, phục vụ bán trú, vệ sinh… thử hỏi làm sao chịu nổi?”.
Giống doanh nghiệp kinh doanh ăn uống?
>> Ông Nguyễn Minh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 12, cho biết: Chính sách thuế mà chúng tôi đang thực hiện chỉ là thu thuế thu nhập cá nhân của người chủ trường, chứ không thu tiền ăn của trẻ. Việc thu này được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Cục Thuế TPHCM và Quyết định 16334 về tỷ lệ ấn định phần trăm chịu thuế trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Còn việc các trường cho rằng chúng tôi thu thuế trên tiền ăn của trẻ thì cứ gửi đơn lên Cục Thuế TP kiến nghị. |
Đây là một vấn đề gây khá nhiều bức xúc cho các trường mầm non ngoài công lập ở quận 12 khi bị áp khung thuế, tỷ lệ phần trăm ấn định chịu thuế trên doanh thu theo Quyết định 16334. Không bức xúc sao được khi theo phân tích của nhiều trường, cơ sở giáo dục của họ không phải là nơi kinh doanh, mua bán trẻ. Họ cũng không làm ra được các dịch vụ đi kèm như ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn nên không thể xem họ là một đơn vị DN được. “Nhà hàng, dịch vụ kinh doanh ăn uống còn có hóa đơn chứng từ, các biểu giá để xuất còn chúng tôi lại không được hưởng bất cứ một ưu đãi nào. Tiền lương của giáo viên, tiền đóng BHXH theo quy định, các khoản chi linh tinh cho trẻ… đều không được quyết toán là một sự bất hợp lý. Chúng tôi thu tiền trẻ dựa trên sự thỏa thuận với phụ huynh, vì mục đích phục vụ và chăm sóc trẻ. Đánh thuế chúng tôi như vậy chẳng khác nào gián tiếp cắt đi khẩu phần ăn của các cháu” - bà Hồ Việt Hiệp, chủ Trường Mầm non Hoa Mai 2, bức xúc.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên chính là hiện nay chỉ có quận 12 tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân đối với các đơn vị trường học, còn các quận, huyện khác gần như không có động tĩnh gì.
Rõ ràng, việc đánh đồng trường mầm non ngoài công lập với DN kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ăn uống chính là điều khiến nhiều chủ trường bức xúc nhất. Bà Đoàn Thị Thơm, chủ Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, nói: “Tôi không hiểu tại sao lại xếp trường học như loại hình kinh doanh ăn uống. Trường tôi chỉ có 360 trẻ nhưng tiền thuế hàng tháng phải đóng là hơn 12 triệu đồng”.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Tuyên truyền hỗ trợ thuế, Cục Thuế TPHCM, cho biết: Việc thu thuế thu nhập cá nhân mà quận 12 đang thực hiện là áp dụng theo Nghị định 73 và Quyết định 16334 về tỷ lệ phần trăm ấn định chịu thuế trên doanh thu là hoàn toàn đúng luật, không có gì sai sót. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động tự phát, không có sổ sách kế toán chứng từ theo quy định sẽ áp mức thuế suất 28%... Chủ trường là một chủ thể DN nên phải chịu mức thuế theo quy định của Cục Thuế TPHCM (?!)
Anh Nguyễn
Bài 2: Giảm ăn để đóng thuế
Không thể không đóng thuế, nhiều chủ trường phải bấm bụng mà… xoay. Ngoài việc tăng học phí để bù chi, các trường còn tiết giảm các khoản chi để không lỗ. Với mức chi cho tiền ăn hàng tháng của trẻ lên tới 60% (khoảng 390.000 - 420.000 đồng) như hiện nay, việc bữa ăn của trẻ hao hụt vì thuế là điều dễ hiểu.
- Trăm khổ đổ đầu phụ huynh
Không chỉ đóng thêm các khoản phí tăng chóng mặt từ các trường, phụ huynh còn phải gánh thêm những khoản phí gọi là hỗ trợ như quỹ hội, quỹ chăm lo thầy cô giáo.
Qua ghi nhận, mức học phí tại quận 12 tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Có nơi vừa tăng cuối năm 2010, nay lại rục rịch tăng. Nếu như mức học phí tại các trường một năm về trước chỉ dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/tháng, nay đã lên 700.000 - 750.000 đồng/tháng. Sự “phi mã” của học phí ngoài yếu tố trượt giá còn nằm ở mức thuế cao.
Ông Cao Hữu Tiến, chủ Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phường Tân Thới Nhất, cho biết: “Việc tăng học phí đối với các trường trên địa bàn quận là điều chẳng đặng đừng. Bởi với mức thu như hiện nay, chi phí cho công tác nuôi dạy trẻ, lương giáo viên, BHXH cho người lao động, phí dịch vụ… đã gần như hết sạch. Nay phải gánh thêm khoản thuế hàng tháng, không tăng học phí sẽ không thể có đủ nguồn thu để bù vào. Ngặt nỗi, học phí tăng để bù chi thì thuế lại tăng theo, chúng tôi thật sự đang rất đau đầu”.
| ||
Chính vì lẽ đó, không chỉ có chủ các trường mầm non ngoài công lập bức xúc trước mức thuế 28% mà cả phụ huynh cũng bức xúc. Bởi xét cho cùng, trăm nỗi khổ phụ huynh đều phải gánh chịu.
Đặc thù của loại hình trường mầm non ngoài công lập là hình thức tự chủ tài chính, chủ cơ sở có quyền thỏa thuận giá cả dịch vụ chăm sóc, mức học phí… với phụ huynh theo quy định. Do đó, nếu mức thuế trên vẫn cứ áp dụng, thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, nói: “Quan điểm cá nhân tôi và sở là không đồng ý với việc đánh thuế trên tiền ăn của trẻ. Bởi theo tôi, hiện nay mỗi suất ăn của trẻ có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ. Nếu đánh thuế trên tiền ăn, chất lượng bữa ăn sẽ giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Với chính sách thuế như hiện nay, nếu các trường đảm bảo nghĩa vụ thuế, buộc phải tăng tiền ăn và nhiều khoản thu khác, thiệt thòi sẽ thuộc về phụ huynh, học sinh”.
- Mất 4.200 đồng mỗi bữa ăn
Trong đó, không ít trường đã cắt giảm các bữa ăn của trẻ bằng cách giảm độ dinh dưỡng trong bữa ăn. Hiệu trưởng một trường mầm non phân tích: Với mức thu bình quân từ 600.000 - 700.000 đồng/tháng tại các trường, riêng khoản tiền ăn cho trẻ một tháng tối thiểu cũng mất trên 390.000 đồng. Với chế độ ăn hai buổi trong ngày chỉ có 15.000 đồng, việc phải chịu thêm mức thuế 28% - tức bữa ăn của trẻ sẽ mất đi hơn 4.200 đồng - hỏi làm sao đủ dinh dưỡng?
Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ mầm non Phòng Giáo dục quận 12, chia sẻ: “Quận 12 là quận vùng ven có rất nhiều người nhập cư. Việc lo cho một đứa trẻ ở độ tuổi mầm non đến trường với mức chi bình quân từ 650.000 - 700.000 đồng/tháng như hiện nay đã vượt quá khả năng của nhiều người. Do đó, nếu mức thuế thu nhập cá nhân vẫn được duy trì, trường học buộc phải đẩy giá học phí, giá dịch vụ lên cao… Để cân bằng chi, tôi e rằng số lượng các cháu được đến trường sẽ giảm.
Điều đó đồng nghĩa với việc, đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi của quận 12 có nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng nhất chính là chất lượng chăm sóc và khẩu phần ăn của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy chưa khẳng định các trường sẽ tiết giảm chi bằng cách giảm chất lượng bữa ăn của trẻ nhưng những nghi ngại ấy là điều có cơ sở, bởi ngoài tiền ăn của trẻ, các trường không còn biết xoay ở đâu. Vì lẽ đó, theo tôi việc thu thuế các trường mầm non ngoài công lập cần được xem xét lại”
ANH NGUYỄN