
Bên lề cuộc họp báo chiều qua, PV Báo SGGP đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nuớc Nguyễn Đồng Tiến về một số giải pháp kiềm chế tăng giá.
- PV: Việc giảm thuế các mặt hàng như vừa qua khiến thu ngân sách giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Vậy điều này sẽ góp phần giảm chỉ số tăng giá như thế nào?

Ông TRẦN XUÂN HÀ: Giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nói trên là hết sức cần thiết. Quan trọng hơn là thông qua giảm thuế, doanh nghiệp sẽ cân đối được hàng hóa cả năm, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng về giá cả hàng hóa. Còn sẽ làm giảm giá cụ thể ra sao thì chúng tôi còn phải tiếp tục theo dõi.
- Tới đây, doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng được giảm thuế mà không giảm giá thì sẽ xử lý ra sao, nhất là khi doanh nghiệp được quyền định đoạt giá bán?
Phải thanh tra, kiểm tra. Mục đích của giảm thuế để giảm giá nên phải thanh tra, phải xử lý nếu họ không giảm. Mấy ngày qua, Bộ Tài chính có hai quyết định và ngay sáng 13-8, tôi đã ký một quyết định nữa cử đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn kinh tế về vấn đề thực hiện chính sách giá cả trong lĩnh vực thép, gas, sữa. Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại chi phí, giá thành, giá bán. Yếu tố thuế phải tính lại để điều chỉnh giá bán, đồng thời, phải niêm yết giá bán. Nếu phát hiện đơn vị nào thực hiện không đúng thì phải xử lý. Chúng ta đã có chế tài để xử lý. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm.
- Mức giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh ra sao, thưa ông?
Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công thương để tính toán cụ thể. Theo quan điểm của chúng tôi thì giảm giá xăng 500 đồng/lít là hợp lý. Ngay trong tuần này sẽ giảm giá xăng. Còn về giá dầu thì Thủ tướng đã đồng ý tạm hoãn tăng giá như lộ trình đã phê duyệt. Giá than cũng vậy. Trong quý III này chúng tôi sẽ họp bàn để điều hành hợp lý về giá đối với một số vật tư hàng hóa quan trọng như giá bán điện, giá bán than cho sản xuất xi măng, phân lân, giấy viết, giá cước vận tải hành khách bằng xe buýt, giá nước sạch cho sinh hoạt. Chúng tôi cũng sẽ thống nhất với Bộ Thông tin truyền thông thực hiện giảm giá đối với dịch vụ viễn thông và một số hàng hóa, dịch vụ khác.

Thực phẩm tươi sống tăng giá khiến người tiêu dùng cân nhắc khi chọn mua. Ảnh: ĐỨC THÀNH
- Tuy một số mặt hàng đã tạm hoãn, nhưng theo lộ trình vẫn phải tăng. Vậy thời gian tới có cho tăng các mặt hàng này nếu chỉ số giá vẫn tăng?
Quan trọng của chính sách điều chỉnh giá là làm sao theo cơ chế thị trường với mức giá phù hợp. Để đạt mục đích đó phải có lộ trình. Trước mắt tạm thời kéo dài tiến độ thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng như điện, than, dầu, than. Cá nhân tôi cho rằng có thể đầu năm tới sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá.
- Ông từng nói đợt tăng giá vừa rồi đáng quan tâm nhưng không đáng lo ngại là sao?
So với mặt bằng giá của thời kỳ trước đây, chỉ số giá có tăng nhưng chỉ số vẫn trong tầm kiểm soát. Quan trọng nhất là chỉ số tăng thấp hơn GDP. Những chỉ số lớn như cân đối về ngân sách, tiền tệ, hàng hóa cung cầu dịch vụ xuất nhập khẩu. Xét trên bình diện tổng thể đó, hiện tượng tăng giá hiện nay mang tính chất cục bộ, cơ cấu. Chúng ta phải nhìn nhận rõ nguyên nhân để có giải pháp cho phù hợp, không nên quá lo ngại.
- Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã tung ra trên 100.000 tỷ đồng để mua 7 tỷ USD. Theo ông đó có phải là nguyên nhân lớn nhất về phía ngân hàng làm tăng lạm phát?
Vấn đề lưu thông tiền tệ chúng ta phải nhìn ở hai mặt. Có cách thức tung tiền ra nhưng cũng có cách thức thu tiền về. Hai biện pháp này thực hiện đồng thời. Những giải pháp về thu tiền vào lãnh đạo ngân hàng đã nói như phát hành tín phiếu, trái phiếu, tăng giao dịch trên thị trường mở. Đó là những giải pháp rất quan trọng.
- Cảm ơn ông.
Nam Quốc - Ngọc Quang
Hôm qua, 13-8, Văn phòng Chính phủ đã họp báo về việc triển khai Chỉ thị số 18/2007 và kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh khẳng định, để kiềm chế giá, bộ này đã quyết định lùi thời điểm tăng giá điện một năm. Theo đó, đến 1-7-2008 mới tăng giá điện lên bình quân từ 842 đồng/kWh như hiện nay lên 890 đồng/kWh. Đồng thời, than cũng đã hoãn tăng giá. Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chỉ số giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát. Nhà nước, Chính phủ có đủ tiềm lực để bảo đảm không để xảy ra tăng giá đột biến. Để kiềm chế tăng giá, theo ông, sắp tới, Chính phủ sẽ áp dụng nhiều biện pháp quan trọng về kinh tế, kể cả biện pháp hành chính để giữ, giảm giá, không để tăng giá đột biến. Q.H. |