Chiều 13-6, tại Nhà Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc gặp mặt của lãnh đạo Quốc hội với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV là nhà khoa học.
Sự kiện do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
Phát biểu tại cuộc gặp, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đóng góp của các ĐBQH là nhà khoa học vào hoạt động của Quốc hội thời gian qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khoa học và công nghệ thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức, tư duy phát triển, phương thức sản xuất của nhiều quốc gia. Trong quá trình đó, nhiều cơ hội đang mở ra đối với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, các nhà khoa học nước nhà nói chung và các nhà khoa học là ĐBQH nói riêng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Về mặt thể chế, các nhà khoa học là ĐBQH đã cùng với Quốc hội tích cực đóng góp vào việc từng bước hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ.
Tại kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học, nhất là ở các trường đại học, viện nghiên cứu đang mong chờ đạo luật này khi được thông qua sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bản thân các hoạt động, các quyết sách của Quốc hội cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Chính vì thế, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Đảng Đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt coi trọng việc tham vấn chuyên gia, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành quy định về việc sử dụng chuyên gia và nhà khoa học tư vấn cho Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với ý kiến của các đại biểu tại cuộc gặp mặt về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vai trò của các đại biểu vừa là nhà khoa học vừa là nhà lập pháp, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quốc hội có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát việc tổ chức thực thi để khoa học và công nghệ thực sự phát huy được vai trò là quốc sách hàng đầu của đất nước.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các ĐBQH là nhà khoa học cần tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước nhà. Mỗi đại biểu cần tiếp tục phát huy tối đa khả năng của mình để cống hiến vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học là ĐBQH cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam phát huy sáng tạo, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà; góp phần nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy việc xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, Quốc hội số…