Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 1-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2016, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(SGGP).- Ngày 1-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2016, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trước khi bắt đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021). So với Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (kiện toàn từ tháng 4-2016), Chính phủ nhiệm kỳ mới chỉ có một vị trí thay đổi là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho rằng, tất cả các thành viên Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn với số phiếu cao, điều này thể hiện sự tín nhiệm, đánh giá cao những nỗ lực của tất cả các thành viên Chính phủ hơn 3 tháng vừa qua. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khóa mới với tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, các bộ, ngành phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế; đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, quyết liệt, đề cao trách nhiệm cá nhân, làm việc vì sự nghiệp chung, vì lợi ích nhân dân. Dẫn lại phát biểu của một ĐBQH tại kỳ họp vừa qua cho rằng “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng nhắn nhủ các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

Đến tháng 10, các bộ ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Khẩn trương ban hành quy chế làm việc của các bộ ngành mình, trong đó cần phải minh bạch và chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2016. Ảnh: AVG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành, để làm sao ngồi tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng có thể biết được quá trình xử lý văn bản tại các bộ, ngành. Các bộ trưởng, “tư lệnh ngành” là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các hoạt động, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác dự báo, bảo đảm sát tình hình, chính xác, kịp thời, đồng thời đưa ra phương án, kịch bản cụ thể, rõ ràng để ứng phó tình huống có thể xảy ra. “Các đồng chí phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin. Không được để tình trạng bộ trưởng không biết, không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc. Không để dư luận nêu vấn đề rồi mới chạy theo xử lý” - Thủ tướng nêu rõ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác. Tăng cường họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin. Phải rà soát việc quản lý và sử dụng tài sản công, nhất là quản lý trụ sở làm việc, cho thuê mặt bằng làm dịch vụ. Thủ tướng khẳng định, trong nhiệm kỳ này, phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Trong ngày 1-8, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh. Dự án luật này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trước hết, dự án luật sẽ tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục của Luật Đầu tư và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Theo đó, dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với luật hiện hành… Luật này cũng sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự án luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Phải bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và phải quản lý theo quy luật thị trường. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục