Ngày 28-11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do các nghị sĩ đối lập khởi xướng với lý do nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan không xử lý được tình trạng tham nhũng trong nước.
Tiếp tục tại nhiệm
Hãng AFP nhận định với 308/467 phiếu thuận, Thủ tướng Y.Shinawatra đã vượt qua thử thách đầu tiên với vị trí người đứng đầu chính phủ. Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont tuyên bố: “Quốc hội đã bỏ phiếu cho phép Thủ tướng Yingluck tiếp tục tại nhiệm”. Phó Thủ tướng Chalerm Yubumrung, Bộ trưởng Quốc phòng Sukumpol Suwanatat và Thứ trưởng Nội vụ Chat Kuladilok cũng vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra sau gần 1 tuần chính trường Thái Lan trải qua đầy biến động, trong đó có cuộc biểu tình của hàng ngàn người đòi thay đổi chính phủ đương nhiệm với một trong các lý do là Thủ tướng Y.Shinawatra không giải quyết được tình trạng tham nhũng. Đảng Dân chủ đối lập đổ lỗi cho bà Y.Shinawatra làm mất vị thế nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới bởi một trong các chính sách đang được Chính phủ Thái Lan áp dụng là mua gạo của nông dân cao hơn giá thị trường.
Ngoài ra, một số vấn đề khác khiến nữ Thủ tướng và một số bộ trưởng Thái Lan phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua là quản lý quỹ bão lụt chưa đúng nguyên tắc, nhiều khúc mắc trong các dự án nạo vét kênh và trang bị hệ thống chiến đấu cho 2 tàu khu trục. Trong khi đó, Phó Thủ tướng C.Yubumrung bị cáo buộc phục vụ cho lợi ích của anh trai bà Y.Shinawatra - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Không muốn xáo trộn
Mặc dù bị phe đối lập chỉ trích, song nữ Thủ tướng Thái Lan vẫn quyết tâm tiếp tục thực hiện các chính sách đã đề ra. Trước Quốc hội, bà Y.Shinawatra khẳng định các chương trình về lúa gạo của chính phủ đang đem lại lợi ích trực tiếp cho nông dân Thái Lan và trong tương lai sẽ giúp tăng giá gạo xuất khẩu của đất nước.
Theo bà Y.Shinawatra, để tránh dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng trong các chương trình về lúa gạo, Chính phủ Thái Lan sẽ sử dụng hệ thống công nghệ và lắp đặt các camera giám sát trong thời gian tới. Ngoài ra, các chính sách như trợ giá nhiên liệu, tăng lương cho người lao động… sẽ tiếp tục được thực hiện.
Tờ Washington Post cho rằng dù phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà Y.Shinawatra đang cùng Thái Lan trải qua thời kỳ êm đềm nhất, tính từ thời điểm cuộc lật đổ anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin, năm 2006. Các thông tin tích cực về kinh tế đang là nguồn cổ vũ cho Chính phủ Thái Lan. Tháng 10, sản xuất của Thái Lan tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cũng tăng 15,6%, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Trong quý 3, GDP tăng 3% so với cùng kỳ năm 2011 sau khi đã có mức tăng 4,4% trong quý 2.
Frances Cheung, nhà phân tích chiến lược của Credit Agricole CIB có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc), cho rằng dù tốc độ hồi phục vẫn còn chậm nhưng đây là các dấu hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế xứ chùa Vàng sẽ còn tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, Julia Goh, nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Bhd CIMB tại Kuala Lumpur (Malaysia), cho rằng “Mối đe dọa với nền kinh tế Thái Lan vẫn là bất ổn chính trị. Nếu như các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn bởi các cuộc biểu tình, kinh tế Thái Lan sẽ an toàn”.
Cũng vì thế, nhiều chuyên gia nhận định kết quả cuộc bỏ phiếu lần này phần nào cho thấy Thái Lan không còn muốn có những xáo trộn gây bất ổn chính trị dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế - xã hội nước này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng.
Đỗ Văn (Tổng hợp)