Thủ tướng: Ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, có sáng kiến cải cách hành chính

Chiều 2-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Phiên họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phiên họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thông tin tại đây cho thấy, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác cải cách thủ tục hành chính để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, bất động sản… Nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được tập trung tháo gỡ.

Đến hết năm 2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thúc đẩy. Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%. Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong.

Theo đó, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh, giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn. Từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người; trong đó ở Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.

1-2835.jpg
Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, có sáng kiến cải cách hành chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác CCHC thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải CCHC.

Cải cách tài chính công được quan tâm, qua đó, thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026… Một số nơi đã chủ động, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đột phá trong CCHC, có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, tình hình thực tiễn diễn biến khó lường, việc thực hiện tốt CCHC sẽ đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển; CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực; CCHC để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức CCHC cả trên 6 lĩnh vực, trong đó hàng đầu là cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính, phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước để tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Cùng với đó là cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC năm 2024, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; chủ động ban hành theo thẩm quyền và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến CCHC.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.

Cùng với đó, rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có mức độ rủi ro thấp hoặc không có rủi ro.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước hoàn thành trước ngày 31-3-2024. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân. Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý 3-2024.

Tin cùng chuyên mục