TAND TPHCM vừa đưa vụ “Khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi giấy phép xây dựng”a ra xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của nguyên đơn - bà Lý Thiên Thanh, chủ đầu tư công trình 96/21 Lê Lai, phường Bến Thành (quận 1) với phán quyết hủy quyết định rút giấy phép xây dựng của UBND quận 1.
Vụ kiện này được Báo SGGP phản ánh trong bài viết “Bỗng dưng thành nhà… không phép”, đăng trên số báo ra ngày 24-12-2014. Phải qua 2 lần giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại và 2 cấp tòa xét xử kéo dài gần 2 năm, vụ khiếu kiện mới kết thúc theo hướng có lợi cho nguyên đơn…
Thua kiện ở tòa sơ thẩm
Tháng 3-2012 bà Lý Thiên Thanh, ngụ phường 2, quận 6, mua căn nhà 96/21 Lê Lai và sau đó được UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BE 128000 (giấy chứng nhận nhà đất). Phần sơ đồ thửa đất, nhà ở thể hiện có cửa sau làm lối thoát hiểm cho căn nhà, cửa có chiều ngang 1,37m. Ngày 5-6-2014, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa ký giấy phép xây dựng số 295/GPXD với quy mô công trình gồm 1 trệt, 4 lầu, tổng diện tích gần 200m2. Khi công trình đang thi công đến tầng thứ ba thì bỗng dưng bị Phòng Quản lý đô thị quận 1 ra văn bản yêu cầu điều chỉnh giấy phép xây dựng theo hướng bít lại cửa sau. Không đồng tình với cách làm khó hiểu trên, bà Thanh đăng ký lịch tiếp dân để gặp lãnh đạo UBND quận 1. Tại buổi tiếp dân, sau khi nghe Phòng QLĐT báo cáo vụ việc, không cần hỏi ý kiến người dân, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, quyết ngay: “Không bít cửa thì rút giấy phép xây dựng”. Sau cuộc tiếp dân, ông Hòa ký Quyết định số 1063/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ giấy phép xây dựng (Quyết định 1063) đã cấp, biến công trình đang xây dở dang thành nhà không phép. Bà Thanh khiếu nại quyết định trên, nhưng như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, qua 2 lần giải quyết khiếu nại, bà Thanh đều bị bác đơn, nên đã khởi kiện vụ việc ra TAND quận 1 yêu cầu hủy quyết định rút giấy phép trái luật trên.
Tại tòa, đại diện UBND quận 1 cho rằng quyết định rút giấy phép xây dựng là có cơ sở, vì chủ cũ trước khi bán cho bà Thanh có cam kết bít lại cửa. Khi cấp giấy chứng nhận nhà đất cho căn nhà trên, Phòng Tài nguyên Môi trường quận 1 đã không xem xét cam kết này. UBND quận 1 thừa nhận có sai sót. Nội dung này được TAND quận 1 lấy làm căn cứ và cho rằng: Việc chưa xử lý một hành vi vi phạm không có nghĩa là thừa nhận hành vi đó đúng; thấy có sai sót, UBND quận 1 mời bà Thanh lên yêu cầu điều chỉnh thiết kế nhưng bà không chấp hành, nên UBND quận 1 mới ban hành Quyết định 1063 hủy bỏ giấy phép xây dựng. Quyết định này là phù hợp quy định pháp luật; bác yêu cầu của nguyên đơn về việc thu hồi quyết định này và đòi bồi thường thiệt hại số tiền 250 triệu đồng.
Đại diện UBND quận 1 gặp gỡ, đối thoại với bà Lý Thiên Thanh tại nhà riêng số 126/2C (lầu 3) Tháp Mười, phường 2, quận 6 và đưa ra yêu cầu bà Thanh rút đơn khiếu nại, chấp hành Quyết định 1063 rút giấy phép xây dựng
Thắng kiện ở tòa phúc thẩm
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND quận 1 vẫn giữ nguyên quan điểm của việc ra quyết định rút giấy phép xây dựng công trình nhà 96/21 Lê Lai là đúng pháp luật. Thế nhưng, khi đại diện Viện KSND và Hội đồng xét xử đưa ra các lập luận về tính pháp lý của Quyết định 1063, đại diện UBND quận 1 đã không trả lời được. Trong đó có việc không chứng minh được việc cấp giấy phép xây dựng công trình là trái pháp luật, không chứng minh được việc trổ cửa sau của bà Thanh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, bởi lẽ cửa sau được mở ra hẻm công cộng sử dụng chung, không xâm lấn sang phần đất của ai khác…
Từ những căn cứ trên, Tòa phúc thẩm TAND TPHCM đã tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Lý Thiên Thanh; sửa quyết định của bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lý Thiên Thanh; hủy Quyết định 1063 của UBND quận 1 về việc thu hồi và hủy bỏ Giấy phép xây dựng số 295/GPXD ngày 5-6-2014 của UBND quận 1 đối với công trình nhà 96/21 Lê Lai. Tòa cũng tuyên đình chỉ xét xử khởi kiện yêu cầu UBND quận 1 bồi thường thiệt hại 250 triệu đồng, vì bà Thanh đã rút khởi kiện nội dung này.
Qua vụ khiếu kiện trên cho thấy, nếu UBND quận 1 sâu sát, lắng nghe phản ánh của dân, xem xét tính pháp lý và tìm hiểu một cách thấu đáo thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc trên, người dân đã không bị thiệt hại về tiền của do công trình bị đình trệ thi công gần 2 năm qua. Một bài học cần được các cơ quan hành chính nhà nước rút ra, để hạn chế thấp nhất những vụ việc sai sót, oan sai và làm thiệt hại cho người dân, cho xã hội.
HOÀI NAM