Thúc đẩy cải cách hành chính: Nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An tập trung chỉ đạo sâu sát, đồng bộ trên các lĩnh vực. Nhờ đó, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Long An có sự bứt phá, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành.

Hiệu quả thiết thực

Ông Trần Hải Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An, cho biết, thời gian qua, tỉnh Long An luôn xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tập trung chỉ đạo sâu sát, đồng bộ trên các lĩnh vực nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, minh bạch, giảm tiêu cực nhũng nhiễu, phiền hà để hướng đến nền hành chính kiến tạo, vì dân phục vụ.

Trung tâm hành chính công tỉnh Long An là đầu mối cải cách hành chính của tỉnh
Trung tâm hành chính công tỉnh Long An là đầu mối cải cách hành chính của tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 76/ NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, tỉnh Long An triển khai và ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, xác định mục tiêu chung là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…

Cũng theo ông Trần Hải Tuấn, năm 2022, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Long An có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số. Nhờ vậy mà năm 2022, Long An vinh dự được xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố về PAR Index với 87,42 điểm, tăng 14 hạng so với năm 2021 (87,20 điểm, hạng 22).

Đặc biệt, năm 2022, Long An nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu về PAR Index các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (kế đó là Hậu Giang và Đồng Tháp). Để có mặt trong tốp 10 về PAR Index, UBND tỉnh ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao PAR Index năm 2022. Qua đó, tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao điểm số xác định PAR Index trên tất cả lĩnh vực.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai xác định PAR Index; tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông...

Năm 2022, công tác cải cách thủ tục hành chính được tỉnh triển khai, thực hiện liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh có 42 phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với 42 thủ tục thuộc 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành. Toàn tỉnh tiếp nhận 987.406 hồ sơ thủ tục hành chính, đã giải quyết 967.527 hồ sơ (trong đó, giải quyết trước hạn 55,19%; đúng hạn 44,43% và quá hạn 0,39%).

Tiếp tục cải thiện chỉ số CCHC

Theo ông Trần Hải Tuấn, bên cạnh kết quả đã đạt, PAR Index năm 2022 của tỉnh còn một vài chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ ban hành đạt thấp. Như cải cách tài chính công đứng hạng 32/63 tỉnh, thành phố; cải cách thủ tục hành chính hạng 55/63 tỉnh, thành phố...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC có lúc, có nơi chưa sâu sát; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa được nâng cao.

Để tiếp tục cải thiện PAR Index trong năm 2023, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, Sở Nội vụ sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả CCHC, cải thiện, nâng cao PAR Index gắn với việc chấm điểm, đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương. Quan tâm đề xuất khen thưởng đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị có mô hình, sáng kiến, cách làm hay nhằm cải thiện PAR Index, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế; thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trình tự thủ tục trong công tác CCHC.

Đặc biệt, người đứng đầu phải xác định công tác CCHC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm tối thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả lĩnh vực; thực hiện ứng xử văn hóa qua thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức đối với hồ sơ trễ hẹn; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc, đánh giá quá trình thực hiện CCHC.

Năm 2023, công tác CCHC tiếp tục được tỉnh Long An xác định là nhiệm vụ quan trọng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Triển khai, tổ chức thực hiện CCHC đồng bộ ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Nhiều sáng kiến, cách làm mới

Thời gian qua, tỉnh Long An đã áp dụng 3 sáng kiến, cách làm mới mang lại hiệu quả tích cực trong cải cách hành chính (CCHC). Trong đó, sáng kiến “Phát huy hiệu quả thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia” được đánh giá mang lại hiệu quả cao.

Sau một thời gian triển khai các giải pháp kỹ thuật, tỉnh Long An thử nghiệm thành công việc liên kết theo mô hình chuẩn “một cửa” kết nối các hệ thống tác nghiệp qua trục liên thông tích hợp, chia sẻ (LGSP). Nhờ áp dụng mô hình này, người dân không phải di chuyển nhiều lần đến các cơ quan nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Việc quản lý, lưu trữ thông tin biên lai thanh toán của người dân cũng trở nên dễ dàng, không sợ thất lạc, hư hỏng, do được thực hiện ở dạng điện tử. Giao dịch trực tuyến cũng giúp bảo đảm an toàn hơn cho người dân khi thực hiện thanh toán các loại phí/lệ phí của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cùng với đó là sáng kiến về “Triển khai cổng trung gian thanh toán quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến”. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai tích hợp Cổng thanh toán của VNPAY, giúp người dân, doanh nghiệp có thêm lựa chọn để thanh toán trực tuyến khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Phối hợp Bộ TT-TT triển khai kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (Paygov) qua nền tảng tích hợp, chia sẻ (LGSP) của tỉnh để giải quyết bài toán đa dạng lựa chọn thanh toán trực tuyến cho người dân.

Sau khi triển khai kết nối Paygov, người dân và doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn thanh toán trực tuyến khi nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 do cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp.

Một sáng kiến điển hình phải kể đến là xây dựng nền tảng công dân số “Long An số” nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động CCHC của tỉnh. Năm 2022, tỉnh xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, phải lấy người dân làm trung tâm, đề ra mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn lên môi trường số. Với dân số toàn tỉnh hơn 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, việc đưa công nghệ, nền tảng, dịch vụ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin.

Hiện nền tảng công dân số “Long An số” đã được hoàn thiện và phát hành trên các kho ứng dụng phổ biến. Theo lãnh đạo tỉnh Long An, việc triển khai các giải pháp xây dựng nền tảng công dân số “Long An số” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động CCHC của tỉnh.

KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục