Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng

Tại phiên thảo luận “Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chuỗi cung ứng” thuộc diễn đàn "Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ?", nhiều đại biểu cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chuỗi cung ứng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chuỗi cung ứng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chiều 10-11, Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – Chi hội Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn "Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ?" với 3 phiên thảo luận thu hút hơn 300 doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam.

Nhắc đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Luke Treloar, Trưởng khối Tư vấn ngành y tế và Khoa học đời sống, Công ty KPMG Việt Nam cho biết, vào thập niên 90, đầu những năm 2000, chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi sau hơn 20 năm, Việt Nam đang dần có thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ để tiếp tục tham gia vào các chuỗi cung ứng thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về công nghệ bán dẫn. Tại Việt Nam, Đà Nẵng là một trong các địa phương có tiềm năng về chuỗi cung ứng với vị trí thuận lợi, hạ tầng và nhân lực tốt.

Theo ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng DINCO, doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm là sự minh bạch trong báo cáo tài chính và năng lực. Cách quan tâm tới người lao động và môi trường làm việc. Sự thành thật trong năng lực được doanh nghiệp Hoa Kỳ đề cao. Không nên kể lể quá nhiều về những gì đã làm được mà họ muốn biết doanh nghiệp có làm được hay không, đúng tiến độ hay không. Trong hợp tác tạo niềm tin với đối tác, nhất là các thị trường yêu cầu cao như Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ.

“Văn hóa doanh nghiệp Hoa Kỳ là đi vào trọng tâm vấn đề. Khả năng ngoại ngữ phải thật tốt để trao đổi với đối tác và trung thực, phải tôn trọng thực hiện những cam kết đôi bên”, ông Kỹ nhấn mạnh.

Ông Michael Lương, Giám đốc dự án Công ty Phát triển giải pháp Năng Lượng Sạch Asia Clean Capital Vietnam (ACCV) cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Rất khó để thuê được kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam khi sinh viên tại thời điểm năm 2005 không thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, sinh viên vẫn đang thiếu kỹ năng thực tế. Bởi vậy chương trình thực tập tại doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng.

“Với lợi thế về nguồn nhân lực đến từ Đại học Đà Nẵng, tôi hy vọng nhà máy tiếp theo về công nghệ bán dẫn của Intel sẽ tọa lạc tại Đà Nẵng. Để có nhà máy hoạt động tại Đà Nẵng, chính quyền Đà Nẵng cần hỗ trợ đầy đủ từ chính sách đến các vấn đề ưu đãi khác”, ông Michael Lương nói.

Theo ông Mai Minh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Phong Vận, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần ứng thích ứng linh hoạt trong khi nguồn lực còn hạn chế. Doanh nghiệp FDI đến Việt Nam có mong muốn rất cao là hạn chế khí thải cacbon ra môi trường vì vậy doanh nghiệp cần chú trọng tiêu chuẩn môi trường, sản xuất xanh. Và, Đà Nẵng đang có đề án về phát triển logistics, rất kỳ vọng tạo hướng đi mới cho các doanh nghiệp logistics.

Tin cùng chuyên mục