Thúc đẩy sản phẩm AI hữu ích phục vụ đời sống

Sự xuất hiện và thu hút nhiều chú ý của ChatGPT càng khẳng định trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán AI sẽ trở nên phổ biến, góp phần tích cực thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ nước nhà phát triển.
Zalo AI Summit là sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu công nghệ AI
Zalo AI Summit là sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu công nghệ AI

Cơ hội của ứng dụng AI Việt

Theo thống kê của Similarweb, website của OpenAI (công ty điều hành ứng dụng ChatGPT) có hơn 304 triệu lượt truy cập trong tháng 12-2022, tăng hơn 1.500% so với tháng trước đó. Còn nghiên cứu của UBS, một công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ, khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1-2023, gấp đôi so với tháng 12-2022.

Các nhà phân tích của UBS đánh giá, trong suốt 20 năm qua, chưa từng có một ứng dụng internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như vậy, đồng thời dự báo OpenAI sẽ sớm đạt doanh thu 200 triệu USD năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024.

Sự xuất hiện của ChatGPT càng khẳng định AI đã và đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán, ứng dụng AI - mà cụ thể là trợ lý giọng nói, sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam năm 2025-2030, bởi đây được xem là công cụ giao tiếp hiệu quả nhất giữa con người và máy móc. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia vào thị trường này.

Cuối tháng 12-2022, Công ty CP VinBigData (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ra mắt nền tảng AI đa nhận thức toàn diện VinBase, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng dụng các giải pháp AI và dữ liệu lớn (Big Data) vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp và nhà phát triển phần mềm có thể lựa chọn VinBase dưới dạng công nghệ lõi để phát triển thành sản phẩm mang thương hiệu riêng, hoặc lựa chọn các sản phẩm cuối đã được VinBigData phát triển đầy đủ tính năng để tích hợp vào hệ thống và sử dụng ngay.

Sự xuất hiện của AI kết hợp cùng Big Data đã tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tiện lợi cho người dùng, như trợ lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng AI là Kiki đã cán mốc 200.000 lượt cài đặt và sử dụng trên ô tô. Hay Viettel AI Open Platform cung cấp những công nghệ nền tảng AI giúp vận hành công việc của các tổ chức, doanh nghiệp được tự động hóa, tối ưu và hiệu quả hơn.

Viettel AI Open Platform hiện đang tập trung khai thác các lĩnh vực như công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt (Speech Processing); công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt (Natural Language Processing); công nghệ thị giác máy tính (Computer Vision)…

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, cho biết, Viettel áp dụng chính sách cung cấp nền tảng AI mở miễn phí với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng trong giai đoạn phát triển ứng dụng của mình, chỉ tính phí hoặc hợp tác kinh doanh khi thương mại hóa sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc công nghệ Zalo, trong thời gian tới, thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, sẽ dần dịch chuyển theo hướng tăng các ứng dụng dùng máy, tăng năng suất lao động trên diện rộng thông qua AI và Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để phát triển AI.

Cần những ứng dụng thiết thực

Ứng dụng AI trong thực tế hiện nay tại Việt Nam đã chứng minh mang lại những hiệu quả. Nền tảng VinBase là một ví dụ khi đã và đang được triển khai trong một số lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong hoạt động chăm sóc khách hàng, tối ưu hiệu quả kinh doanh. Nền tảng VinBase ứng dụng trên trợ lý ảo ViVi được tích hợp trên ô tô điện VinFast VF e34 và VF 8, giúp định hình khái niệm ô tô điện thông minh tại Việt Nam.

Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VinBigData: “Với nguồn dữ liệu hơn 30.000 giờ giọng nói đặc trưng của người Việt, VinBigData mong muốn mang lại những sản phẩm trợ lý ảo dành cho người Việt đúng nghĩa, hội thoại tự nhiên như giao tiếp hàng ngày”. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trợ lý ảo AI Bot thế hệ mới được Ngân hàng Á Châu sử dụng từ tháng 10-2022, cung cấp cho khách hàng những thông tin về ưu đãi, các khoản vay hoặc gửi…

Theo báo cáo gần nhất của tổ chức nghiên cứu Accenture, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang thử nghiệm AI. Điều đặc biệt, các doanh nghiệp này có mức doanh thu cao hơn 50% so với đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI… Ông Nguyễn Minh Tú nhận định: “Làn sóng công nghệ thay đổi mạnh mẽ từng ngày, cuộc đua về AI sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nếu chúng ta không tận dụng tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có từ thị trường, chúng ta sẽ bị tụt hậu”.

Tham vọng phát triển, ứng dụng công nghệ AI của doanh nghiệp Việt càng rõ hơn khi đầu tháng 2-2023, FPT Software đã công bố đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng Trung tâm AI tại Quy Nhơn (Bình Định). Dự án bao gồm các công trình như Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu AI; cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm và các công trình phụ trợ…

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, trước sức hút của ChatGPT cũng là lúc chúng ta nhìn AI cởi mở hơn. ChatGPT là sự tiến bộ của KH-CN, cho thấy AI đã đi vào cuộc sống của từng người, có thể ứng dụng cụ thể ở từng lĩnh vực. Với doanh nghiệp công nghệ Việt, đây có thể xem là một cơ hội học tập kinh nghiệm lẫn động lực với ứng dụng AI.

Cân nhắc khi sử dụng các nội dung ChatGPT

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, khuyến cáo, ChatGPT có nhiều tiện ích, tuy nhiên, như bất kỳ sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới nào, bên cạnh ưu điểm, chúng ta cần xem xét hạn chế và rủi ro tiềm ẩn có thể có của ChatGPT. Trong đó, tính đúng đắn, phù hợp của nội dung do ChatGPT cung cấp với đặc điểm của người yêu cầu, điều kiện về quy định, văn hóa mỗi quốc gia là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm khi sử dụng ChatGPT. Người sử dụng ChatGPT cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các nội dung từ ứng dụng này vào đời sống và công việc.

Tin cùng chuyên mục