TPHCM hiện có khoảng 1.200 cửa hàng tiện lợi của nhiều chuỗi khác nhau và hoạt động thâu đêm suốt sáng. Không đa dạng sản phẩm như chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán bánh ngọt, nước ngọt, bia, kem, cà phê, mì và một số món ăn nhanh, món ăn vặt, đặc biệt có bàn ghế để khách sử dụng tại chỗ nên khách hàng đa phần là giới trẻ.
Ban ngày, cửa hàng tiện lợi tấp nập người trẻ ra, vào chẳng khác gì quán cà phê, trà sữa, còn ban đêm tuy lượng khách giảm nhưng vẫn là điểm đến của nhiều bạn trẻ. Khảo sát hàng chục cửa hàng tiện lợi tại nhiều quận ở TPHCM vào giữa đêm, hầu hết cửa hàng nào cũng có khách sử dụng dịch vụ tại quán.
Có mặt tại cửa hàng tiện lợi C.K trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) lúc đồng hồ đã điểm sang ngày mới, chúng tôi ghi nhận 5 bạn trẻ ngồi trò chuyện trong cửa hàng. Câu chuyện của nhóm bạn trẻ càng lúc càng sôi động khiến không gian cửa hàng rôm rả hẳn. Một vài người như đã quá quen mặt với nhân viên ở đây. Quan sát thêm một lúc, chúng tôi ghi nhận nhiều bạn trẻ ghé mua đồ mang đi hoặc gọi đĩa mì xào, hộp sushi ngồi ăn tại chỗ. Phương (nhân viên cửa hàng) cho biết: “Hôm nay giữa tuần nên hơi vắng, bình thường cuối tuần cửa hàng vui lắm, 1-2 giờ sáng mà vẫn nhộn nhịp khách, có người ngồi lại đến 3-4 giờ sáng mới rời đi”.
Cách đó không xa, cửa hàng tiện lợi B.M cũng có 3 bạn vừa ghé gọi cà phê, vài ly chè rồi quay ra thỏa thuận với một nhân viên: “Nay tụi này đi bụi đời, xin vài ghế qua đêm nhé, sáng mai đi sớm”. Thấy khách nói vậy, một nhân viên đáp lại: “Các anh cứ tự nhiên, tụi em mở cửa thông đêm mà”. Chúng tôi tiếp tục khảo sát vào một ngày khác, gần 24 giờ, tại cửa hàng tiện lợi B.M trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), có 4 khách trẻ nhưng mạnh bàn ai nấy ngồi, tất cả đều cắm cúi lướt theo màn hình điện thoại và không quan tâm đến hoạt động xung quanh. Có lẽ vì ngồi quá lâu, một bạn nam kéo hai chiếc ghế lại gần rồi co chân lên ghế, nửa nằm nửa ngồi như muốn chìm vào giấc ngủ.
Chúng tôi hỏi một nhân viên nữ về quy định có được ngủ tại cửa hàng, bạn này cho biết: “Thực ra thì bên em cũng nhắc nhở khách không nằm ngủ tại quán nhưng vì mở cửa thông đêm, khách vào ngồi ăn, uống rồi mệt quá nằm ra ngủ quên thì tụi em cũng không dám nhắc. Chỉ khi khách dậy và ra về tụi em mới nhắc để lần sau khách chú ý giùm”.
Ngoài ra cũng có những bạn lựa chọn ngồi cửa hàng tiện lợi để né tránh những “trận chiến” trong gia đình, hoặc bị cha mẹ la rầy nên “bỏ nhà ra đi”. Để minh chứng cho nguyên do này, nhân viên tại cửa hàng tiện lợi B.M trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) giới thiệu cho chúng tôi gặp Trần Hải Thành (20 tuổi), một khách quen của cửa hàng. Thành tâm sự: “Tôi thường ở đây từ 10 giờ tối đến tầm gần 2 giờ sáng hôm sau, cũng có khi ngủ quên đến 4, 5 giờ sáng mới về. Dạt ra đây cũng tại ông bà già mâu thuẫn tối ngày, cứ về tới nhà là gây lộn nên tốt nhất né đi”. Trước khi xuất hiện cửa hàng tiện lợi, Thành là “khách ruột” của các tiệm game online...
Đặc biệt những bạn trẻ đi chơi về khuya cũng thường chọn nơi đây làm bến đáp cuối cùng trong ngày. “Mấy bạn đi bar về trễ cũng ghé ăn mì, chè hoặc bánh xong xếp ghế ngủ luôn. Miễn sao mấy bạn đàng hoàng, không quậy phá là chúng tôi không thấy phiền”, Chiến, nhân viên cửa hàng tiện lợi S.G trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) cho biết.
Là bến đáp của bạn trẻ thâu đêm, đã có những cảnh báo khi đầu tháng 7 vừa qua, Công an TPHCM bắt giữ 9 đối tượng là vị thành niên liên quan đến các vụ cướp ở cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cửa hàng chưa thực sự cảnh giác với nguy cơ này.