Trong đó, thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) đang được nhiều doanh nghiệp tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung xác định là yêu cầu cần thiết để tồn tại và cạnh tranh trong thị trường thương mại tự do.
Tại Việt Nam, khái niệm CSR không còn lạ lẫm, nhưng chủ yếu các hoạt động CSR phần lớn chỉ dừng lại hình thức làm từ thiện, còn nâng tầm thành chiến lược phát triển của doanh nghiệp thì không phải công ty nào cũng thực hiện được. Thực tế, CSR còn là những cam kết của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức… hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo sự phát triển bền vững. CSR tạo ra giá trị của doanh nghiệp; đồng thời, giúp doanh nghiệp chiếm được lòng tin, sự tôn trọng của người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng xã hội. CSR là một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh doanh bền vững. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức và thực hiện đầy đủ CSR mới có thể phát triển bền vững ở địa phương và đáp ứng tốt những yêu cầu của nền kinh tế hội nhập thương mại tự do.
Chia sẻ tại đại hội đầu năm của Liên đoàn Lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam (JCI Việt Nam) tổ chức tại TPHCM, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Heineken Việt Nam, nhấn mạnh thực hiện CSR, doanh nghiệp không chỉ cần triển khai yếu tố xã hội là đủ mà còn thực hiện song song về yếu tố môi trường trong phát triển bền vững. Ngay cả các công ty lớn, nếu không quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững dựa trên việc thực hiện CSR thì cũng khó tồn tại. Đồng thời, thực hiện CSR không tạo ra thách thức cho doanh nghiệp, giúp mang lại cơ hội xây dựng uy tín và thương hiệu sản phẩm.
Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ, với một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải đảm bảo chú trọng các yếu tố như con người, nguồn nguyên liệu, lợi nhuận. Tại Công ty Heineken, qua khoảng 8 năm thực hiện các giải pháp phát triển bền vững đã tiết kiệm sử dụng năng lượng và nguyên liệu trong sản xuất, hạn chế rác thải; tạo 190.000 việc làm cho người lao động và ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại địa phương. Điển hình, hiện nay lượng nước Heineken sử dụng trong sản xuất đã giảm một nửa so với trước đây.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để con người phục hồi những ảnh hưởng tiêu cực trước đó đối với môi trường sống và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, thế giới số có thể thay đổi, ảnh hưởng đến tất cả ngành công nghiệp và sẽ quyết định hành vi kinh doanh. Bởi hàng tỷ người kết nối với nhau làm hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh và phức tạp hơn, nhưng dễ dàng đáp ứng hơn nhờ công nghệ. Chính vì vậy, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, công nghệ sẽ là một trong những công cụ hiệu quả để các công ty thực hiện CSR, tạo động lực phát triển bền vững trước những thách thức của nền kinh tế và môi trường tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới của năm 2018 và những năm tiếp theo. Đơn cử, doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức về thế giới số và công nghệ nếu không muốn nằm ngoài dòng chảy của hội nhập kinh tế toàn cầu.
Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM (YBA), cho hay tại Việt Nam có khoảng 54% dân số và doanh nghiệp sử dụng internet, 55% sử dụng điện thoại thông minh… Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khai thác những yếu tố phù hợp nhằm thực hiện CSR, tạo động lực cho phát triển bền vững. Riêng các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tăng cường năng lực dự báo vấn đề, thích ứng với sự thay đổi, tự học liên tục; đặc biệt là trước khi thực hiện CSR để phát triển bền vững thì phải đầu tư vào chính bản thân mình, vì người chủ doanh nghiệp là hạt giống cốt lõi của công ty đó.