Thực hư 44 phòng trọ ở quận Thủ Đức bị “âm thầm cưỡng chế”

Người dân tố cáo chính quyền địa phương đập bỏ dãy nhà trọ đã được khai thác ổn định mà không thông báo cho dân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cung cấp các biên bản, quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế phá dỡ…
Dãy nhà trọ đã bị cưỡng chế phá dỡ.
Dãy nhà trọ đã bị cưỡng chế phá dỡ.

Trước thông tin dư luận xôn xao về việc người dân tố cáo chính quyền địa phương “âm thầm” tổ chức lực lượng, huy động máy móc cưỡng chế, phá bỏ 44 căn phòng trọ ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TPHCM), ngày 24-9, ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh khẳng định: “Những phòng trọ này đã xây dựng sai quy hoạch, đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ”.

Dãy nhà trọ nói trên thuộc công trình xây dựng nằm trên 2 thửa đất ở đường số 30, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Chủ dãy nhà trọ này cho rằng nếu người dân vi phạm thì sao chính quyền không ngăn chặn ngay từ đầu, để đến khi họ dốc tài sản vào xây dựng thì mới phá dỡ. Mặc khác, trong suốt thời gian qua họ “không hề nhận được bất cứ quyết định xử phạt hay thông báo nào” dù có địa chỉ cư trú rõ ràng…

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tú nhấn mạnh, từ năm 2015 cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm xây dựng ở công trình này và yêu cầu chủ công trình là ông Đỗ Cao Bằng (quận Phú Nhuận) ngừng thi công.

Thực hư 44 phòng trọ ở quận Thủ Đức bị “âm thầm cưỡng chế” ảnh 1 Các biên bản, quyết định lưu trữ tại cơ quan chức năng cho thấy, vi phạm xây dựng đã được phát hiện từ năm 2015 nhưng sau đó, công trình vẫn hoàn thành đưa vào sử dụng.
“Sau khi Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm, UBND phường Hiệp Bình Chánh ra quyết định đình chỉ thi công. UBND phường còn ban hành hai ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện… nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục tổ chức thi công. Ngày 4-12-2015, UBND phường có văn bản đề nghị Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) đẩy nhanh tiến độ xử lý công trình vi phạm nhằm tránh gây tổn thất tài sản của người dân”, ông Tú vừa cung cấp các biên bản, quyết định hành chính vừa giải thích.

Sau đó, gần cuối tháng 12-2015, Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt ông Đỗ Cao Bằng 22,5 triệu đồng và buộc ông Bằng tự tháo dỡ công trình vì xây dựng sai quy hoạch.

Chủ đầu tư đã đóng tiền phạt nhưng không tự tháo dỡ phần vi phạm và tiếp tục thi công. Vì vậy, tháng 4-2016, Thanh tra Sở Xây dựng có quyết định xử phạt đối với phần vi phạm mới với số tiền phạt là 25 triệu đồng. Trong quyết định này cũng buộc đình chỉ thi công công trình và yêu cầu ông Đỗ Cao Bằng tự phá dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, chủ đầu tư không tự phá dỡ nên tháng 6-2016, UBND quận Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế. Quyết định giao cho UBND phường Hiệp Bình Chánh tổ chức thực hiện.

Thực hư 44 phòng trọ ở quận Thủ Đức bị “âm thầm cưỡng chế” ảnh 2 Người nhà chủ đầu tư ký biên bản nhận quyết định xử phạt và với các bằng chứng bưu điện trong ảnh nên ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh khẳng định:  "Vệc cho rằng phường âm thầm hay đột ngột cưỡng chế mà chủ đầu tư không hay biết là không có cơ sở"
Ông Trần Minh Tú cho biết, tháng 8-2017 UBND phường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quyết định cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế, từ tháng 2 đến tháng 7-2017, UBND phường có nhiều thông báo về việc thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.

“Các thông báo này đều được gửi cho chủ công trình bằng các hình thức như gửi trực tiếp và gửi thư bảo đảm đến địa chỉ thường trú của chủ công trình. Cuối tháng 7-2017, UBND phường có buổi tiếp xúc với ông Đỗ Cao Bằng và giải thích cho ông Bằng các nội dung về việc cưỡng chế. Điều này khẳng định, người dân có nhận được quyết định xử phạt, biết được việc tổ chức cưỡng chế”, ông Tú nhận xét.

Về việc, UBND phường phát hành thư mời thông báo mà không ghi thời gian tổ chức cưỡng chế, ông Trần Minh Tú nhìn nhận sai sót và cho biết sai sót xuất phát từ việc nhân viên thụ lý bỏ nhầm thư mời. UBND phường đã tổ chức kiểm điểm đối với việc làm thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan.

Tuy vậy, ông Trần Minh Tú cho rằng, sai sót vừa nêu không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Bởi vì trước khi cưỡng chế, phường đã gửi các biên bản, quyết định cưỡng chế và niêm yết công khai tại công trình vi phạm.

“Hơn một tháng trước khi cưỡng chế, phường còn cho phát loa thông báo, tổ chức 10 buổi vận động, thông báo người đang thuê phòng trọ chuyển sang nơi khác để phường cưỡng chế. Trong đó, phường có 3 buổi vận động người đang quản lý phòng trọ - là người nhà ông Bằng nhưng không nhận được sự hợp tác. Ngoài ra, phường cũng chỉ đạo 9 khu phố, cảnh sát khu vực tìm nhà trọ mới cho người thuê nhà và đề nghị giảm giá cho họ. Chúng tôi cũng bố trí 4 xe tải hỗ trợ di chuyển đồ đạc của người thuê đến nơi ở mới. Vì vậy, việc cho rằng phường âm thầm hay đột ngột cưỡng chế công trình mà chủ đầu tư không hề hay biết là không có cơ sở”, ông Tú khẳng định.

Xây sai phép bị cưỡng chế toàn bộ?

Công trình xây dựng bị cưỡng chế nêu trên tọa lạc tại 2 thửa đất có tổng diện tích đất hơn 950m2 ở phường Hiệp Bình Chánh, thuộc dự án khu nhà ở

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt, 2 thửa đất thuộc trường hợp xây biệt thự với quy mô 1 trệt, 1 lầu.

Năm 2015, chủ đầu tư cho xây dựng tại 2 thửa đất này. Việc xây dựng tại đây được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo xác định của Thanh tra Sở Xây dựng, công trình này đã vi phạm khoảng lùi, phát sinh tầng lửng và sai kiến trúc mặt ngoài công trình.

Trước thắc mắc công trình xây sai phép nhưng lại bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ, Thanh tra Sở Xây dựng giải thích đây là trường hợp xây dựng sai quy hoạch. Nó không trường hợp xây sai phép, chỉ tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Tin cùng chuyên mục