Thuê người giúp việc: Tưởng dễ nhưng khó

Xu hướng thuê người giúp việc san bớt việc nhà, giúp gia chủ có thời gian cho công việc chuyên môn ngày càng phổ biến ở thành phố lớn. Thế nhưng, để tìm được một người phù hợp, biết quán xuyến việc nhà, hiểu chuyện quả thực không dễ. 
Người giúp việc nhà tại một gia đình ở TPHCM
Người giúp việc nhà tại một gia đình ở TPHCM

Chê ít tiền, ưa buôn chuyện

Thực tế, vẫn có những người giúp việc hiểu chuyện, trân trọng công việc mình đang làm, nhưng những trường hợp như vậy chưa nhiều. Điều này được một số doanh nghiệp cung ứng lao động giúp việc nhà xác nhận.

Chị Phương Hoa, ngụ đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM), kể lại, cách nay vài tháng phải cho người giúp việc nghỉ, vì bị trộm hơn 700 triệu đồng. Tiền kinh doanh, làm ăn bên ngoài, gia đình để hớ hênh, quên gửi ngân hàng, mất. Qua trích xuất camera giấu kín, vợ chồng chị phát hiện thủ phạm...  

Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Duy, ở đường Lê Thị Hà (huyện Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ, người giúp việc luôn đem chuyện nhà anh kể với hàng xóm. Từ việc vợ chồng anh thích ăn gì, giàu nghèo ra sao, làm nghề gì, đến chuyện những đứa trẻ trong nhà ham chơi ra sao, cha mẹ anh Duy hay nói xấu con dâu thế nào… Đa phần là những câu chuyện bịa đặt, thêm mắm dặm muối cho hàng xóm xôn xao khiến gia đình anh xào xáo, khổ sở.

Theo anh, ban đầu chị ấy chê gia đình anh trả lương 8 triệu đồng/tháng quá ít, nên anh tăng lên 9 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Công việc chính là nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Đưa đón bọn trẻ đã có tài xế; dạy học đã có giáo viên kèm tại nhà. Cha mẹ anh còn khỏe nên thường xuyên đi chơi, du lịch, do vậy người giúp việc không phải chăm sóc nhiều. Do vậy, ngay khi phát hiện người giúp việc “buôn chuyện”, anh cho chị ấy nghỉ việc và đăng tuyển người khác. 

Vài tuần qua, chị Lê Thị Liên Hoan, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM, liên tục thông tin tìm người giúp việc theo giờ, ở mức 50.000-70.000 đồng/người/giờ, tùy kỹ năng, nhưng vẫn chưa có người quan tâm. Thậm chí, ngay khi vừa đăng thông tin trên các group, “chợ” trực tuyến, nhiều người vào nói thẳng mức lương quá thấp, vì giá thị trường đã ở mức 100.000 đồng/giờ. Nhẩm tính, nếu người giúp việc làm 6 giờ mỗi ngày, không tính thứ bảy và chủ nhật, chị Hoan phải trả 600.000 đồng/ngày, tương đương 13,2 triệu đồng/tháng (22 ngày). Chưa kể, làm thêm các ngày thứ bảy, chủ nhật, phải trả cao hơn, nên chị Hoan đang cân nhắc.

“Bé nhà tôi mới hơn 1 tuổi, bố mẹ già, chồng thường xuyên bận việc nên mong muốn có người giúp việc để san sẻ phần nào áp lực nhà cửa, có thời gian đi làm trở lại. Chúng tôi đang cân nhắc có thể thuê 2 người giúp việc, một làm theo giờ, một làm cố định để họ làm tốt hơn. Thực sự, lương đi làm của tôi cũng chỉ vừa đủ trả công người giúp việc”, chị Hoan đắn đo. 

Thiếu nguồn cung chất lượng

Thị trường có “cầu” ắt có “cung”, nhưng làm sao để có nguồn cung chất lượng thì chưa có câu trả lời. Vì theo tâm lý, người giúp việc nhà vẫn chưa được xem là nghề nghiệp chính thống. Chưa kể nghề này nghe không sang, không kêu như ngành nghề khác; trong khi, đây là nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao ở nhiều gia đình. Với những gia đình giàu có, quy định tuyển dụng người giúp việc rất khắt khe, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ… Tất nhiên, mức lương, thưởng cũng cao ngất ngưởng, ở mức 30-40 triệu đồng/người/tháng, tùy công việc. 

Chị M.T.N., 33 tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, giúp việc một gia đình ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), tiết lộ, mức lương, thưởng mỗi tháng trên 30 triệu đồng chưa kể dịp tết, được bao ăn ở và có phòng nghỉ ngơi riêng, đi nghỉ dưỡng cùng gia chủ trong và ngoài nước vào những dịp đặc biệt. Công việc chính của chị gồm dạy tiếng Anh cho con chủ nhà đang học lớp 2, sắp xếp lịch làm việc cho vợ chồng chủ nhà, quản lý chung những người giúp việc khác… Theo chị, một số bạn tốt nghiệp các trường đại học lớn cũng làm quản gia cho nhiều gia đình ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), Thảo Điền (TP Thủ Đức), với mức lương cao, nhưng hầu như không tiết lộ với cha mẹ, người thân vì xấu hổ. 

Hiện nay, nhu cầu tìm người giúp việc có chuyên môn, hiểu chuyện, được đào tạo bài bản rất lớn, nhưng ở Việt Nam hầu như chưa có những trường như vậy. Tâm lý làm thầy, chứ không muốn làm “con ở” vẫn còn khá nặng nề. Ngược lại, những người mong muốn được tuyển dụng thường chưa qua đào tạo, trình độ hạn chế, muốn được trả lương cao nhưng làm việc qua loa, nhảy việc liên tục để tìm nơi tốt hơn… Chưa kể, nhiều người còn tìm đủ cách vòi vĩnh chủ nhà, hay so bì với người giúp việc hàng xóm, thậm chí trộm cắp tài sản của gia chủ. 

Đại diện một công ty chuyên cung ứng dịch vụ cho biết, theo pháp luật, nghề giúp việc gia đình được coi là một nghề và chủ nhà phải ký kết hợp đồng với người lao động chứ không nên nói miệng. Nhưng hiện nay, việc ký “hợp đồng miệng” khá phổ biến, dẫn đến nhiều rủi ro như lừa đảo, trộm cắp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy. 

Do vậy, các gia chủ nên cân nhắc kỹ khi chọn người giúp việc, tránh việc gia đình mình 
gặp họa không chừng.

Tin cùng chuyên mục