Thương hiệu biển gắn với chủ quyền quốc gia

(SGGP).- Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường là chủ đề chính của Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III diễn ra tại Nha Trang – Khánh Hòa vào sáng 6-6. Đây là một hoạt động trong Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011.

(SGGP).- Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường là chủ đề chính của Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III diễn ra tại Nha Trang – Khánh Hòa vào sáng 6-6. Đây là một hoạt động trong Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011.

Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã khẳng định xây dựng, quảng bá thương hiệu biển là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhấn mạnh: Phát triển thương hiệu biển không chỉ tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm biển, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển mà còn giúp các địa phương, đơn vị tiếp cận với thế giới trong xu thế hội nhập…

PGS-TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch) đúc kết: Hiện nay, du khách chọn những nơi yên tĩnh, không khí trong lành, cảnh quan hoang sơ và sạch để tham quan, nghỉ dưỡng... Do vậy thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam cần phải thân thiện với môi trường.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư, đã đến lúc thương hiệu biển Việt Nam phải được nhận diện rõ hơn về mặt tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về giá trị văn hóa, giá trị kinh tế và có sức thu hút, lôi cuốn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Thế nên các bộ, ngành trung ương cần đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để giúp các địa phương, doanh nghiệp tạo dựng, phát triển các thương hiệu biển đạt đẳng cấp quốc tế.

Song song đó các nhà khoa học, nhà quản lý hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp... nên có những giải pháp mang tính chiến lược, thiết thực và có chiều sâu. Qua đó xây dựng thương hiệu biển Việt Nam một cách khoa học, đồng bộ giữa phát triển và bảo tồn, gắn với chủ quyền quốc gia.

Nước ta có diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền, với 3.260km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển. Dọc bờ biển nước ta có trên 50% đô thị lớn, hơn 100 điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.
 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: một trong những mục tiêu cơ bản là đưa đất nước trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, trong đó, kinh tế biển đạt 53%-55% GDP và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

V.NGỌC

Tin cùng chuyên mục