Theo số liệu chính thức của Trung Quốc công bố ngày 10-2 cho thấy, trong tháng 1-2012, thặng dư thương mại nước này tăng kỷ lục trong vòng 6 tháng qua, nhưng các hoạt động thương mại lại giảm kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với nhập khẩu giảm 15,3%, trong khi xuất khẩu giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2011. Các chuyên gia nhận định đó là dấu hiệu nền kinh tế thứ 2 thế giới đang bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở EU và kinh tế trong nước đang phát triển chậm lại.
Thặng dư thương mại...
Nguyên nhân được lý giải là do nhu cầu trong nước giảm nên hàng nhập khẩu giảm. Cụ thể, số thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 1-2012 là 27,3 tỷ USD, lớn nhất trong 6 tháng qua và cao hơn rất nhiều so với mức 16,52 tỷ USD trong tháng 12-2011.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà kinh tế Sun Junwei tại công ty nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng, số liệu trên phản ánh yếu tố thời vụ trong giai đoạn Tết Âm lịch. Điều lạ là vào thời điểm này, thông thường nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thế nhưng nhập khẩu lại giảm. Điều đó cho thấy, người dân Trung Quốc đã siết hầu bao. Hơn thế nữa, do chính sách làm nguội nền kinh tế, Bắc Kinh chủ trương siết chặt cho vay tiêu dùng cũng làm nhập khẩu giảm. Nhu cầu xây dựng cũng giảm do Chính phủ Trung Quốc siết chặt lĩnh vực bất động sản. Điều này làm nhu cầu xi măng, sắt thép và các loại vật liệu xây dựng khác giảm. Tiêu thụ điện năng của Trung Quốc cũng giảm 7,5% trong tháng 1-2012 so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý 4-2011 là 8,9% giảm so với cùng kỳ năm 2010 là 10,3%.
Theo các nhà kinh tế, phải chờ đến tháng 2, sau giai đoạn nghỉ Tết Âm lịch, tùy vào số liệu lúc đó Chính phủ Trung Quốc sẽ có biện pháp thích hợp. Sắp tới gần như chắc chắn là Trung Quốc sẽ kích cầu lẫn kích thích xuất khẩu, duy trì thặng dư mậu dịch. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc cho rằng, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc trong năm 2012 sẽ giảm do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Hiện Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với 3,18 ngàn tỷ USD.
Những khó khăn tại thị trường lớn của Trung Quốc là EU đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này. Xuất khẩu của Trung Quốc vào EU trong tháng 1-2012 đã giảm 3,1%. Tuy vậy, thị trường Mỹ lại tăng 5,5% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
... nhưng vẫn lo
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhập khẩu giảm ở 2 con số cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu đi giữa lúc đầu tư cũng sụt giảm. Điều này nếu kéo dài chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2012 có thể đạt 8,2% nhưng cảnh báo con số này có thể chỉ đạt một nửa nếu châu Âu, thị trường xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc, lún sâu vào khủng hoảng nợ công.
AFP trích lời nhà kinh tế Lục Đình của Ngân hàng Mỹ Merill Lynch rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đặt ra thách thức lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2012 và kéo giảm tăng trưởng của nước này vì sức mua giảm.
Trong khi đó, các chính sách siết chặt hầu bao, cắt giảm xây dựng cơ bản để chặn dòng đầu tư nóng cũng như làm nguội giá nhà đất dẫn đến nhu cầu xi măng, sắt thép… giảm có thể là tin xấu đối với các nhà cung cấp như Australia, Brazil, Nam Phi…
IMF đã khuyến cáo Trung Quốc nên tung ra thêm các gói kích thích kinh tế nhằm gia tăng nhu cầu tiêu dùng. Thế nhưng, các quan chức Trung Quốc quan ngại gói kích thích sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, điều đó càng đáng sợ hơn vì nó có thể làm gia tăng các nguy cơ bất ổn xã hội.
Có điều chắc chắn là sắp tới Trung Quốc chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đông lao động bằng cách giảm thuế, tăng cho vay. Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang gặp áp lực ngày càng cao và Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đưa ra các giải pháp giúp họ vượt khó.
Ngoài ra, để bù đắp các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn như EU, Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Á và châu Phi. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đàm phán về tự do thương mại với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada.
Thụy Vũ (tổng hợp)