Trình bày của các đại biểu cho thấy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một cấu trúc địa chiến lược đang định hình, kết nối chặt chẽ về lịch sử, tự nhiên và kinh tế - chính trị - xã hội. Trong bối cảnh mới, khu vực chia sẻ nhiều lợi ích chung về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển. Các đại biểu nhấn mạnh khu vực cần thượng tôn pháp luật, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, không loại trừ ai, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, nhiều bên, đa phương đặc biệt là các cơ chế của ASEAN.
Đại sứ EU tại Việt Nam, Giorgio Aliberti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU ở khu vực nói chung và biển Đông nói riêng; khẳng định EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển mà còn là đối tác an ninh trong khu vực. Trong vai trò đó, EU có giá trị “cân bằng ảnh hưởng”, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS 1982.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tầm quan trọng của UNCLOS 1982, vai trò của chủ nghĩa đa phương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. Các nước trong và ngoài khu vực cần chung tay để “trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải một phần của vấn đề biển Đông”.