Nhưng gần 10 năm nay, căn bệnh tiểu đường đến giai đoạn biến chứng tăng huyết áp và suy thận đã khiến anh không còn làm việc được nữa. Nay anh không còn đi lại được, chân bị teo lại đầy vết sẹo, thân người gầy nhom, cánh tay khẳng khiu trơ xương. Tình cảnh càng thêm nghiệt ngã khi vợ anh lại bị bệnh ung thư, vừa phải phẫu thuật nạo hết một bên ngực.
Dù bệnh nằm liệt trên giường, nhưng khi chúng tôi đến thăm, anh Lê Quang vẫn gắng gượng ngồi dậy tiếp chuyện. Giọng nói ngọng ngịu, đầu óc đã không còn minh mẫn, đôi mắt mệt mỏi, nhưng anh vẫn cố nhớ và nhắc từng con người, từng kỷ niệm trong thời làm báo của mình. Cứ vài phút, anh lại nhoài người đưa cái tay trái còn hoạt động được xoa xoa những vết sẹo ở đầu gối và khuỷu chân. Anh than: “Đau lắm! Đêm ngủ không được. Buổi sáng mệt, nhưng chỉ chợp mắt được một chút”.
Vợ anh Lê Quang tiếp lời: “Hồi mới bị đột quỵ, chồng em không nói được, trí nhớ giảm sút, nhưng vẫn còn có thể cố nâng người qua xe lăn và đi lại trong nhà. Chồng em bị tiểu đường, biến chứng suy thận, chỉ một va chạm trầy trụa là thành vết thương to. Vì máu bơm không đủ đến chân nên các vết thương ở chân không lành, bị hoại tử”.
Vợ anh Lê Quang là dược tá, kết hôn với anh khi anh đã bị bệnh. Nhà đơn chiếc, kinh tế khó khăn, không thể nhờ ai phụ giúp, chị trở thành “điều dưỡng trưởng” chăm sóc cho anh, dù sức khỏe của chị cũng đã rất tệ do bệnh nan y. Nhà xa (ở số 221/20/9 ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM) nên mỗi lần đưa anh đến bệnh viện khám điều trị bệnh tốn rất nhiều tiền. Vợ chồng anh Lê Quang phải chọn cách điều trị là tự lọc máu cho anh tại nhà. Cứ dăm bữa nửa tháng, chị nhờ y tá ở trạm xá lấy máu của anh Lê Quang, rồi chị đi xe ôm mang đến Bệnh viện Nhân dân 115. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ cho toa, chị mang 20 thùng thuốc lọc máu về nhà. Anh Lê Quang cho hay: “Nhờ bảo hiểm y tế toàn phần, nếu không chắc tôi chết từ lâu rồi”. Dù không tốn tiền mua thuốc, nhưng vợ anh Lê Quang vẫn phải mua đầu ống nối, vì thiết bị này nằm ngoài danh mục bảo hiểm. Mỗi thùng 20 đầu ống nối, nhưng chỉ sử dụng được 5 ngày. Bởi lẽ, anh Lê Quang phải lọc máu 4 lần mỗi ngày và đầu ống nối không sử dụng lại được.
Trong khi ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đang đến, các nhà báo đang hân hoan đón một sự kiện rất vui trong nghề nghiệp của mình, có một nhà báo đang trong những ngày tháng đau đớn, gian nan nhất.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác Bạn đọc - Chương trình Xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; ĐT: (08) 22111263. Số tài khoản Báo SGGP: 310.10000. 231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM.