Đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Thuyết trình buổi đầu tiên tại Mỹ

Thuyết trình buổi đầu tiên tại Mỹ

Sáng 17-11 (theo giờ Việt Nam), tại Nhà thờ cộng đồng New York, Mỹ, đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân-Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam-dẫn đầu đã có buổi thuyết trình đầu tiên với các cử tọa Mỹ.

Đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã nói về hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và kêu gọi nhân dân Mỹ giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đặc biệt là ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại tòa án Mỹ.

Một trong hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Một trong hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là bà Đặng Thị Hồng Nhựt (TP Hồ Chí Minh) và ông Hồ Sỹ Hải (Thái Bình) đã gặp gỡ các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Mỹ đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm và những nỗ lực để đòi được bồi thường đối với những mất mát mà chất độc da cam/dioxin đã gây ra cho bản thân họ và con cháu họ. Các nạn nhân cũng gặp gỡ các cựu binh Mỹ tham gia cuộc chiến Iraq và các nạn nhân khác bị nhiễm chất độc hóa học.

Đây là buổi đầu tiên của đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong chuyến đi thuyết trình đến 12 thành phố của Mỹ trong vòng một tháng (13-11 đến 13-12). Chuyến đi do Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAORRC) và Hội Cựu binh Mỹ vì hòa bình (VFP) tài trợ và tổ chức.

* Ngày 16-11, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã có buổi trả lời phỏng vấn đài BBC. Giáo sư cho biết, cùng với các bài thuyết trình, đoàn còn chiếu 3 bộ phim về nạn nhân chất độc da cam/dioxin gồm “Nước mắt sân chơi”, “Những nẻo đường công lý” và “Chất độc da cam và quyền sống con người”.

Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân cho biết để giải quyết một vụ án, về nguyên tắc, người Mỹ dựa trên luật pháp do thẩm phán hay bồi thẩm đoàn tham gia góp ý kiến. Nhưng trên thực tế, đôi khi quyết định của thẩm phán chưa chắc đã công minh. Vì vậy, cần phải có sự ủng hộ của nhân dân, quần chúng (Mỹ), thì sẽ tạo được sức ép về tâm lý, đòi hỏi thẩm phán ở tòa phúc thẩm phải thụ lý và giải quyết một cách công bằng.

V.M (Theo TTXVN, BBC)

Tin cùng chuyên mục