Cấm cửa đường lên danh thắng, di tích
Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (người địa phương gọi là núi Chụt), do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).
Lầu Bảo Đại chỉ cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 6km. Kiến trúc độc đáo của di tích này là kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Đây được xem là một di tích - danh thắng nổi tiếng và thực tế rất nhiều du khách đến đây tham quan.
Nhìn từ xa, núi Cảnh Long chạy dài theo bờ biển giống như con rồng xanh khổng lồ ôm lấy vịnh Nha Trang, với 3 ngọn đồi trên mỏm núi giống như đầu rồng đang giỡn nước.
Đây là vùng đất “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”, có nghĩa là 4 mặt đều có nước bao bọc và 4 ngọn núi tượng hình 4 con thú tụ hợp lại giữ gìn sinh khí. Mỗi biệt thự trên lầu Bảo Đại được đặt một cái tên gắn với cây trồng xung quanh, như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.
Trong đó, biệt thự Nghinh Phong (Xương Rồng) và Vọng Nguyệt (Hoa Sứ) được chọn làm nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Cả 2 ngôi biệt thự được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp có sự kết hợp hài hòa với nghệ thuật hoa viên xây dựng cung điện.
Ngổn ngang di tích lầu Bảo Đại
Chính sự kết hợp hài hòa giữa khung cảnh tuyệt đẹp núi và biển, nên từ lâu lầu Bảo Đại được hàng ngàn lượt chia sẻ trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Nhiều du khách bày tỏ, nếu đến Nha Trang mà chưa đặt chân đến lầu Bảo Đại thì xem như chưa đến đây.
Nhưng điều đó chỉ còn trong quá khứ, bởi hiện nay lầu Bảo Đại đang bị những vết thương khó lành theo thời gian, qua những dự án hoành tráng. Trong vòng 2 năm qua, có rất nhiều du khách thấy lạ khi đến lầu Bảo Đại tham quan nhưng nơi đây dường như kín cổng cao tường.
Lạ là đúng, bởi có rất nhiều người dân sống lâu năm, ngay cạnh núi Cảnh Long cũng không hiểu vì sao đường lên núi Bảo Đại lại bị đặt trạm gác, không cho du khách qua. Sau nhiều ý kiến phàn nàn của bạn đọc, chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm lên đây, chứng kiến tận mắt việc “phong tỏa” lầu Bảo Đại như thế nào.
Con đường chính dẫn lên lầu Bảo Đại mà du khách thường đi năm nào giờ đã đặt trạm barie, có bảo vệ canh gác 24/24 giờ. Xe chúng tôi vừa tới, bảo vệ yêu cầu dừng xe ngay, đồng thời quả quyết không được đi vào di tích.
Dù chúng tôi tự giới thiệu là nhà báo, muốn đi chụp ảnh toàn cảnh Nha Trang trên đỉnh núi Cảnh Long làm tư liệu, tuy nhiên, bảo vệ khăng khăng không cho vào và hướng dẫn phải xin phép công ty đang làm dự án trên núi.
Nhưng khi hỏi liên hệ bằng cách nào, bảo vệ nói: “Về tìm trên internet”. Không chỉ có chúng tôi, cùng thời điểm, nhiều khách nước ngoài vượt ngàn dặm đến Nha Trang, cầm trên tay tấm bản đồ lò dò mãi mới tìm được đường đến lầu Bảo Đại, nhưng rồi cũng nhận được cái xua tay từ chối thẳng thừng.
Du khách tỏ ra thắc mắc, khó hiểu nhưng đành bỏ đi sau một thoáng nhìn vô vọng con đường Phượng Vỹ đẹp chạy dài lên núi Cảnh Long. Buồn hơn khi nó đã được giới thiệu là rất đẹp từ lâu trên cẩm nang du lịch khi đến Nha Trang.
Nhìn vào bảng nội quy, bút tích những quy định do Tổng Giám đốc Công ty Khánh Hà, doanh nghiệp đang thực hiện dự án tại đây, ghi rõ: “Tuyệt đối không cho người lạ vào mục tiêu bảo vệ”. Nội quy được ký từ tháng 3-2015, tức là 3 năm qua, lầu Bảo Đại trở thành một di tích “chết” trong lòng du khách.
“Lọt sổ” di tích quốc gia
Theo Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, từ năm 1995, lầu Bảo Đại được xếp vào danh sách di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. 5 ngôi biệt thự xác định nằm trong vùng 1, kiểm soát chặt chẽ theo Luật Di sản văn hóa.
Thế nhưng, không hiểu vì sao từ năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho chủ trương Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP đầu tư Khánh Hà triển khai thực hiện dự án Khu biệt thự cao cấp Bảo Đại với tổng vốn đầu tư 478 tỷ đồng.
Đến năm 2014, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 13,5ha (8,8ha đất và 4,7ha mặt nước) do Khatoco quản lý giao cho Công ty Khánh Hà thuê để thực hiện dự án, thời hạn đến năm 2063.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, đã nhiều lần có ý kiến việc xây dựng dự án ở lầu Bảo Đại là đụng đến di tích văn hóa, đụng đến khu vực có vị trí đẹp bậc nhất ở Nha Trang, thế nhưng, không hiểu sao dự án vẫn triển khai kỳ được.
Luật Di sản văn hóa quy định rõ, việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích đều không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây chủ đầu tư khi thực hiện dự án đã đập phá đi một số công trình, sườn đồi bị đào bới gây sạt lở...
Tại lầu Bảo Đại, những chiếc cần cẩu cao vút trời đang án ngữ, ai nhìn cũng hiểu rõ nơi đây đang chuẩn bị cho một đại công trường xây dựng lớn.
Dưới chân núi, nhiều cây cối được di dời, nhiều hạng mục thi công quanh sườn núi dang dở, rất dễ xảy ra sạt lở qua các trận mưa lớn, nguy cơ làm biến dạng cảnh quan vốn có nơi đây là rất cao.
Riêng 5 căn biệt thự - hạng mục quan trọng của di tích này - đang được chủ đầu tư bảo quản. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất chính là nơi đây sẽ có nhiều công trình bê-tông mọc lên san sát, sẽ phá hủy cảnh quan vốn có của lầu Bảo Đại.
Một cán bộ từng công tác trong ngành văn hóa tỉnh Khánh Hòa, cho biết lầu Bảo Đại có giá trị cảnh quan rất lớn ở Nha Trang, đồng thời ghi dấu lịch sử với vị vua cuối cùng.
Trước đây, bất cứ việc sửa chữa nào ở lầu Bảo Đại đều được cơ quan chức năng thẩm định. Việc giao cho doanh nghiệp toàn bộ khu vực này, tỉnh Khánh Hòa cần quy định chặt chẽ, như không được làm hư hại cảnh quan. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên núi Cảnh Long, nhiều người quan ngại cho sự tồn vong của lầu Bảo Đại.
Từ năm 1995 đến nay, không hiểu vì lý do gì mà lầu Bảo Đại chỉ mới được đưa vào danh sách di tích cấp tỉnh, chưa được công nhận di tích cấp quốc gia, trong khi ở nhiều địa phương khác, biệt thự của Bảo Đại đều đã lên di tích cấp quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh, lý do là do thiếu đơn đề nghị của đơn vị quản lý, di tích chưa lập hồ sơ, thất lạc bản vẽ thiết kế 5 biệt thự. Sở VH-TT đang cho rà soát lại công trình này để lập hồ sơ xếp hạng.
Tuy nhiên, khi hồ sơ xếp hạng cấp quốc gia hoàn thành và đệ trình được phê duyệt, dù sẽ trở thành cấp quốc gia đi chăng nữa thì lầu Bảo Đại cũng chẳng còn nguyên vẹn.
Nhiều ý kiến cho rằng, lầu Bảo Đại “không vô cớ lọt sổ” di tích cấp quốc gia, lý do thất lạc bản vẽ thiết kế các ngôi biệt thự là chưa thuyết phục. Phải chăng, nhiều người không muốn lầu Bảo Đại trở thành di tích cấp quốc gia bởi khi xin phép làm dự án tại đây sẽ phải qua nhiều cửa!
Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định phê duyệt giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 8,8ha cho Công ty Khánh Hà thuê đất thương mại dịch vụ trong 48 năm 6 tháng, trả tiền một lần, với diện tích 8.624m2 đất biệt thự, nghỉ dưỡng là gần 250.000 đồng/m2; giá thuê đất thương mại dịch vụ tính tiền thuê hàng năm, có giá là 1,18 triệu đồng; gần 2,4 triệu đồng là đất xây khách sạn và trên 2,6 triệu đồng/m2 đất biệt thự.