Tiềm năng nguồn nhân lực số dồi dào

 Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay có 3 thách thức lớn khi thực hiện chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao: Tốc độ thay đổi công nghệ, xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ.

Sáng 17-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045". Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện chuyên đề của Diễn đàn cấp cao thường niên  lần thứ 3 về công nghiệp 4.0.

Đào tạo trọng điểm nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, sự tiến bộ về công nghệ hiện nay đã làm biến đổi mọi yêu cầu, mọi phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nhân lực. Chuyển đổi số cũng phải có thay đổi tất yếu và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh về cơ cấu, chất lượng, loại hình lao động, đặc biệt nguồn nhân lực số cần ưu tiên đầu tư để phát triển. 

Tiềm năng nguồn nhân lực số dồi dào ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số. 

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ thêm, để thích ứng và bắt kịp với thời đại số, ngành giáo dục sẽ thay đổi trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, ngành xác định đây là trọng tâm và chiến lược quan trọng để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

“Chuyển đổi lao động phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu tất yếu, Bộ GD-ĐT rất muốn lắng nghe các ý kiến từ các bên để có giải pháp, có chiến lược phát triển, có đề án để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hoàng Minh Sơn mong muốn và thông tin thêm, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo, đẩy mạnh kết nối cung cầu trong đào tạo.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình tiếp cận và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Quốc gia TPHCM, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hiện nay có 3 thách thức lớn khi thực hiện chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực: tốc độ thay đổi công nghệ, lần này thay đổi theo số mũ, không còn theo tuyến tính như trước; xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội; xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ.

Tiềm năng nguồn nhân lực số dồi dào ảnh 2 PGS-TS Vũ Hải Quân chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực số tại hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Những thách thức trên làm xuất hiện 5 vấn đề cần quan tâm: sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học; xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo; hành xử về những chuẩn mực về đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?

PGS-TS Vũ Hải Quân cũng cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu vào top 15 nhóm nghiên cứu hàng đầu Châu Á về trí tuệ nhân tạo thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, nhà trường sẽ đổi mới chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp để đồng đào tạo, khuyến khích sinh viên học một số tín chỉ trên nền tảng mở... 

Qua hội thảo lần này, ông Vũ Hải Quân cũng đề xuất mô hình hợp tác, trong đó có 6 thành phần để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ số trong tình hình mới: đào tạo, nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm, trung tâm dữ liệu, kiểm định và đánh giá.

Chia sẻ về quá trình triển khai công nghệ số cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian qua, ông David Wei, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ các nước và các doanh nghiệp tại châu Á để thúc đẩy phát triển nền công nghệ số thời gian tới. Bởi theo dự báo của ông David Wei, tương lai có thể có 70% nguồn nhân lực sẽ nằm trong các nền tảng mới nổi, như công nghệ đám mây và ICT. 

Dự báo việc làm trong nền kinh tế xanh nhiều tiềm năng

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. 

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc An, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Tiềm năng nguồn nhân lực số dồi dào ảnh 3 Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cùng với đó là việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời của Tổ chức Lao động quốc tế tại tại Việt Nam (ILO) cho hay, công nghệ số phát triển khiến xu hướng định hình việc làm cũng thay đổi, phương thức làm việc kinh doanh cũng đổi mới. Đặc biệt, thời gian qua dịch Covid-19 đã xáo trộn về việc làm, là phép thử cho khả năng chống chịu của nhiều nên kinh tế. 

Định hình tương lai việc làm thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Hà cho biết mặc dù sự phát triển của công nghệ số khiến 6 triệu việc làm mất đi, nhưng thay vào đó có thêm 24 triệu việc làm mới, trong đó khoảng 18 triệu việc làm trong nên kinh tế xanh, nếu “chăm sóc” tốt, có thể tạo ra 269 triệu việc làm mới vào năm 2030. 

“Tương lai việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm. Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Do đó, phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng bên nào”, bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh. 

Nội dung hội thảo chuyên đề trên sẽ được Tổ biên tập đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

"Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng", ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin.

Tin cùng chuyên mục