Tiền “chảy” mạnh vào thị trường chứng khoán

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 31.500 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, số lượng tài khoản cá nhân chiếm đến 31.340 tài khoản. Nếu tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3-2020 tới nay), số lượng tài khoản mở mới lên tới gần 225.000 tài khoản.
Nhà đầu tư nghe tư vấn mở tài khoản tại công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà đầu tư nghe tư vấn mở tài khoản tại công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG

Phục hồi mạnh mẽ

Kết thúc tháng 9, VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm, tăng gần 3% so với tháng trước, đứng thứ 4 trong top 10 thị trường chứng khoán (TTCK) tăng điểm mạnh nhất tháng 9, chỉ sau Mông Cổ (4,27%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,06%) và Đan Mạch (3,48%). Tháng 8 trước đó, VN-Index cũng đã tăng mạnh nhất thế giới với gần 10,5% và là một trong 10 chỉ số tăng mạnh nhất quý 3-2020.

Sau 2 tháng tăng điểm liên tục, 2 tuần đầu tháng 10, VN-Index tiếp tục có những phiên tăng điểm mạnh mẽ và hiện đang xoay quanh 930 điểm - chỉ còn giảm hơn 4% so với đỉnh đầu năm 2020. Thị trường đang trên đà leo dốc, kết thúc tuần thứ hai của tháng 10-2020 là tuần tăng thứ 4 liên tiếp và cũng là tuần tăng thứ 9 trong 10 tuần gần nhất, chuỗi tăng này thậm chí tốt hơn cả trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Nhiều cổ phiếu đã vượt qua được cả mức giá trước khi dịch xảy ra. Trong đó, đa số nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh (tính từ đáy của tháng 3-2020), một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng trên 50% như: HDB tăng 72%, ACB và STB tăng 60%... Hàng loạt cổ phiếu nhỏ (penny) tăng từ 120% đến gần 174% so với đầu năm như TTF, TLD, VID, MCP. Thậm chí, một số cổ phiếu đã tăng đến 300%-500% như DNM tăng 488%, SCI tăng 350%...

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TTCK Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8, tháng 9 và có kết quả tốt hơn so với các TTCK như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan đã phản ánh phần nào thông tin tích cực về tăng trưởng GDP quý 3-2020 của Việt Nam so với các nước.

Cụ thể, theo báo cáo của Nikkei Asian, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả hoạt động kinh tế với mức tăng trưởng GDP quý 3 dương (2,12%) trong khi các nước trong khu vực dự kiến sẽ có GDP thấp hơn hoặc âm. Một yếu tố đáng chú ý khác làm tăng khả năng điều chỉnh của VN-Index là việc công bố kết quả kinh doanh quý 3-2020 của tất cả các cổ phiếu niêm yết trong tháng 10-2020.

Nội lực từ nguồn vốn nội địa

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không ngừng bán ròng trên thị trường liên tục từ tháng 3-2020 đến nay, dòng vốn nội đã phát huy nội lực giúp TTCK Việt Nam bứt phá và hồi phục nhanh chóng. Các chuyên gia trong ngành nhận định, chính sự nhập cuộc của dòng vốn nhà đầu tư mới trong nước (hay còn gọi là nhà đầu tư F0) đã đổ mạnh vào TTCK bắt đáy, giúp VN-Index từ 650 điểm vào cuối tháng 3 đã lên sát 930 điểm hiện nay.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 253.000 tài khoản (nhiều hơn 64.000 tài khoản so với cả năm 2019), trong đó số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3-2020 tới nay) lên tới gần 225.000 tài khoản.

Nhờ dòng tiền lớn, thanh khoản thị trường cũng đã tăng mạnh, giá trị giao dịch bình quân ở mức từ 3.000 tỷ đồng/phiên từ tháng 3-2020 đã tăng vọt lên gần 5.500 tỷ đồng/phiên trong tháng 9 - con số lớn nhất kể từ quý 1-2018 tới nay, thời điểm VN-Index xác lập đỉnh lịch sử với hơn 1.200 điểm.

Theo các chuyên gia, lý do làm TTCK hấp dẫn nhà đầu tư bao gồm nhiều yếu tố: lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm mạnh các tháng gần đây; các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro như giá vàng đứng ở mức cao và chênh lệch khá lớn so với vàng thế giới; kênh bất động sản thanh khoản suy yếu do dịch Covid-19 và kênh trái phiếu doanh nghiệp đang dần bị siết lại vì Nghị định 81/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 9-2020, đã khiến dòng tiền càng chảy mạnh vào TTCK.

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán, thay thế Thông tư 210/2012/TT-BTC và Thông tư số 07/2016/TT-BTC. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư mới là việc bổ sung một số quy định liên quan đến mở tài khoản giao dịch chứng khoán theo hướng hoàn thiện pháp lý để các công ty chứng khoán có thể mở tài khoản giao dịch từ xa. Nếu dự thảo này được chấp nhận, quy định cho mở tài khoản giao dịch từ xa sẽ giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn trong việc tham gia vào TTCK, từ đó các công ty chứng khoán và thị trường có thể đón nhận thêm nhiều dòng tiền mới hơn nữa.

Các rủi ro thị trường đang đối mặt

Dự báo từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, sau 2 tuần đầu của tháng 10 diễn biến khởi sắc, thị trường có thể sẽ đối mặt với “rung lắc” mạnh thời gian tới khi VN-Index quanh vùng 930 với các rủi ro cần lưu ý. Đó là: Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn kỳ vọng của nhà đầu tư; những biến động của yếu tố ngoại biên như ảnh hưởng đến từ chính trường Mỹ và gói kích thích tài khóa mới của Mỹ… Nếu kịch bản xấu xảy ra, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhịp điều chỉnh tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục